Hà Tĩnh: Hiện thực hóa giấc mơ về nơi mái ấm, nhà vui

Thấu hiểu những khó khăn của người dân khi phải sống trong những mái nhà tạm bợ, chật vật mưu sinh, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh nỗ lực, chung tay, góp sức, huy động nguồn lực để xây đắp hàng nghìn ngôi nhà kiên cố - những mái ấm chan chứa nghĩa tình.

Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) thường xuyên giám sát, đôn đốc tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn. (Ảnh: NGÔ TUẤN)

Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) thường xuyên giám sát, đôn đốc tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn. (Ảnh: NGÔ TUẤN)

Thắp sáng khát vọng an cư

Dẫu đã đi qua hơn nửa đời người, song mơ ước về ngôi nhà mới, kiên cố chỉ được bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Thiên Thai, xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) ấp ủ trong thâm tâm.

“Tuổi già cùng với bệnh tật liên miên khiến cuộc sống rất chật vật. Hai bà cháu phải nương tựa nhau sống trong ngôi nhà tranh, vách đất được dựng lên từ năm 1983. Vì vậy, khi được chính quyền, người dân lối xóm thông báo hỗ trợ kinh phí, ngày công để xây nhà mới, tim tôi như nghẹn lại vì xúc động”, bà Hương cho biết.

Do vị trí đất xây nhà nằm ở lưng chừng đồi nên việc xây dựng, đi lại gặp rất nhiều khó khăn, chi phí san lấp rất lớn vượt quá khả năng của gia đình. Trước tình hình đó, lãnh đạo chính quyền địa phương đã sốt sắng vào cuộc, huy động máy móc hỗ trợ, tạo mặt bằng rộng rãi để bà Hương xây nhà mới.

Thấy được sự vào cuộc rốt ráo của cấp ủy, chính quyền địa phương nên anh em trong gia đình và hàng xóm láng giềng cũng chung tay gom góp, hỗ trợ thêm nguồn lực, ngày công để hai bà cháu có ngôi nhà khang trang rộng 70 m2 như hôm nay.

Đồng chí Trần Bá Hoành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết: “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Vì vậy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình cụ thể mỗi gia đình. Gia đình nào gặp khó khăn, chúng tôi phân công nhau cùng gỡ khó”.

 Tính đến ngày 19/5, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Tính đến ngày 19/5, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Niềm vui về những ngôi nhà mới cũng đang lan tỏa khắp làng trên, xóm dưới ở huyện Kỳ Anh, nơi có 425 ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, giá trị từ 100-200 triệu đồng/nhà, thay thế cho số nhà tạm, nhà dột nát trước đây. Những ngôi nhà mới mọc lên không chỉ làm thay đổi diện mạo cảnh quan mà còn mang lại niềm hân hoan, hy vọng cho người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh Võ Tá Cương cho biết: Trong tổng số 425 gia đình nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, có hơn 100 gia đình gặp vướng mắc về đất đai (chưa có đất ở, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất...).

Địa phương đã tổ chức rà soát, phân loại, tập trung các giải pháp, tháo gỡ khó khăn bảo đảm tiến độ đề ra. Cụ thể, huyện Kỳ Anh đã huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí đo vẽ, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho 97 hộ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 19 hộ và giao đất xen kẹt cho 2 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn để xây nhà mới theo chủ trương chung của tỉnh.

Bà Trần Thị Lan, thôn Xuân Thắng, xã Kỳ Xuân, người vừa được cấp 100 m2 đất để xây nhà mới xúc động cho biết: “Căn nhà này là ân tình của Đảng, là ơn nghĩa của người dân đối với những người yếu thế như chúng tôi”.

Những chia sẻ mộc mạc, giọt nước mắt ân tình của bà Lan và hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên vùng đất “chảo lửa, túi mưa” là minh chứng sống động của nỗ lực sẻ chia, hành trình nhân ái đã và đang lan tỏa mạnh mẽ từ “khúc ruột miền trung” Hà Tĩnh.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Chúng tôi có mặt tại ngôi nhà vừa mới được xây xong của hai mẹ con chị Hồ Thị Hấn ở tổ dân phố Trần Phú, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh. Qua câu chuyện với chị, được biết, do số phận kém may mắn, tình duyên lận đận, chị Hấn và con gái gặp nhiều khó khăn trong ngôi nhà xuống cấp do gia đình để lại. Với tình hình sức khỏe, công việc hiện tại, chưa biết đến bao giờ hai mẹ con chị mới có thể gom góp, tích lũy để xây nhà mới.

Hàng ngàn ngôi nhà kiến cố, khang trang được xây dựng từ nỗ lực không ngơi nghỉ của các cấp ủy đảng và bà con nhân dân ở Hà Tĩnh.

Hàng ngàn ngôi nhà kiến cố, khang trang được xây dựng từ nỗ lực không ngơi nghỉ của các cấp ủy đảng và bà con nhân dân ở Hà Tĩnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh Phan Thanh Biển cho biết, hoàn cảnh của chị Hồ Thị Hấn cũng là thực trạng chung của 56 hộ gia đình khó khăn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, song không đủ khả năng để sửa sang và xây dựng nhà mới.

Thấu hiểu những khó khăn của các hộ dân trên địa bàn, thực hiện phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, thị xã Kỳ Anh đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch huy động 2,6 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ 56 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa và xây dựng nhà mới với kinh phí hỗ trợ xây mới 70 triệu đồng/nhà và sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà.

Không riêng thị xã Kỳ Anh, số liệu tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, ngoài các đối tượng được hỗ trợ theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Trung ương phát động, trong quá trình triển khai, nhiều huyện, thành phố, thị xã đã chủ động rà soát, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng, hỗ trợ 674 hộ dân khó khăn về nhà ở để xây dựng nhà với kinh phí trên 33,2 tỷ đồng.

Chủ trương mở rộng đối tượng hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát của thị xã Kỳ Anh đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn tỉnh, trở thành hình mẫu trong việc chăm lo nhà ở cho người yếu thế và thực hiện chính sách an sinh xã hội bền vững.

“Nếu không có sự quan tâm, ưu ái của cấp ủy, chính quyền địa phương thì chưa biết đến bao giờ mẹ con tôi mới hiện thực hóa được giấc mơ về ngôi nhà mới khang trang như thế này. Ngôi nhà này không chỉ là tổ ấm giúp mẹ con tôi an cư mà còn là động lực để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống”, chị Hồ Thị Hấn vui vẻ chia sẻ trong ngày đầu về ở ngôi nhà mới xây.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, gia đình chính sách được Hà Tĩnh triển khai từ đầu năm 2020. Sau gần 5 năm kiên trì, nỗ lực huy động nguồn lực chăm lo, dựng xây mái ấm cho các gia đình khó khăn, đến nay, tỉnh đã xây dựng và sửa chữa hơn 10.000 căn nhà cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Từ thực tiễn, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân như: Phân công đỡ đầu thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại 10 địa phương cấp huyện với sự tham gia của 10 đơn vị chủ trì và 41 đơn vị phối hợp; thành lập “đội xây dựng 0 đồng”; hỗ trợ thêm các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, mô hình tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân...

Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Đặng Trần Phong ghi nhận, từ việc tháo dỡ và đặt những viên gạch đầu tiên cho đến khi ngôi nhà được hoàn thành luôn có sự hiện diện của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đoàn viên, hội viên của các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.

Với sự quyết tâm, bước đi mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, tính đến ngày 19/5, Hà Tĩnh đã hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.290 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình người có công và 674 hộ dân gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn, về đích trước gần sáu tháng so với mốc 31/10/2025 mà Chính phủ đặt ra.

NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-tinh-hien-thuc-hoa-giac-mo-ve-noi-mai-am-nha-vui-post881198.html
Zalo