Hà Tĩnh đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính
Hà Tĩnh phấn đấu tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 80% và cấp xã 75%, từng bước hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử.
Hướng đến mục tiêu vào năm 2025 thực hiện 100% số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết hồ sơ TTHC cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 80% và cấp xã 75%. Để hoàn thành mục tiêu đó, thời gian qua, các cấp, ngành ở Hà Tĩnh đã vào cuộc triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại huyện Thạch Hà, theo cập nhật từ Trung tâm Hành chính công huyện, đến nay, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết hồ sơ TTHC cấp huyện đạt trên 80%, cấp xã đạt 86,54%.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Thạch Hà, phụ trách Trung tâm Hành chính công huyện cho biết: “Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản đôn đốc các xã, thị trấn triển khai thực hiện ngay các nội dung, phần việc để quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đặt ra, trong đó chú trọng gắn với trách nhiệm người đứng đầu, yêu cầu cán bộ làm nhiệm vụ tại bộ phận một cửa số hóa kết quả đầu vào và đầu ra theo đúng quy định. Đặc biệt, huy động sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản dịch vụ công để hình thành thói quen tái sử dụng các kết quả đã được số hóa. Đối với những địa phương chưa đạt tỷ lệ theo quy định, huyện giao trách nhiệm cho người đứng đầu để khắc phục, báo cáo tiến độ hằng tháng nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc...”.
Ở TX Kỳ Anh, theo báo cáo của UBND thị xã, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của thị xã đạt trên 84%. Để có được kết quả này, một trong những giải pháp hữu hiệu được thị xã áp dụng là đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân cách thức tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cách thức nộp hồ sơ, nộp lệ phí trực tuyến. Mỗi người khi đến giao dịch nếu chưa có tài khoản đều phải tạo lập tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Bởi khi nộp hồ sơ trực tuyến là người dân đã scan các thành phần hồ sơ đi kèm, góp phần nâng cao tỷ lệ số hóa.
Theo cập nhật từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đến nay, việc số hóa kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của 3 cấp chính quyền là 231.989/283.701 hồ sơ, đạt tỷ lệ 81,77%; trong đó, cấp tỉnh đã thực hiện được 103.455/132.594 hồ sơ, đạt tỷ lệ 78,02% (chưa đạt mục tiêu 90%), cấp huyện đã thực hiện được 29.612/35.758 hồ sơ, đạt tỷ lệ 82,81% (đạt mục tiêu 80%), cấp xã đã thực hiện được 98.922/115.349 hồ sơ, đạt tỷ lệ 85,76% (đạt và vượt mục tiêu 75%).
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song theo phân tích từ các sở, ngành và địa phương, trong quá trình thực hiện số hóa kết quả giải quyết hồ sơ TTHC vẫn gặp phải một số khó khăn, nhất là các hồ sơ TTHC hiện đa dạng về hình thức khổ giấy, từ A7 (giấy phép lái xe, CCCD) đến khổ A0 và các loại tài liệu đóng quyển... Mặt khác, nhiều đơn vị, địa phương không có đủ thiết bị số hóa để thực hiện. Đặc biệt, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể thành phần hồ sơ nào phải số hóa, thành phần nào không phải số hóa nên quá trình thực hiện số hóa vẫn còn những lúng túng nhất định cho cán bộ tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Ông Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhấn mạnh: “Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng kết quả số hóa thành phần hồ sơ được chấp nhận trước đó có vai trò hết sức quan trọng. Đây là điều kiện để hình thành kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, qua đó chia sẻ, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng lâu dài. Việc số hóa sẽ giúp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan hành chính Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số".
“Để hoàn thành mục tiêu tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của năm 2024, trước hết, các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục quan tâm nguồn lực để đầu tư thiết bị số hóa phù hợp như: ký số điện tử, trang bị máy scan... Gắn với đó là tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tiếp tục đưa nội dung kết quả thực hiện số hóa vào tiêu chí đánh giá CCHC của đơn vị, địa phương hằng năm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, vì khi nộp hồ sơ trực tuyến là người dân đã scan các thành phần hồ sơ cần thiết... Đặc biệt, tiếp tục phát huy tổ chuyển đổi số cộng đồng trong việc hướng dẫn người cài đặt các ứng dụng trên điện thoại nhất là tạo lập tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến”
Ông Nguyễn Đình Tuấn
Phó Trưởng phòng Nội chính, Văn phòng UBND tỉnh