Hà Tĩnh: chủ động các phương án đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, bão lũ, các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đang chủ động triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản.

Người dân tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thu hoạch tôm nuôi đạt kích cỡ, phòng thiệt hại do mưa bão gây ra gây ra

Người dân tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thu hoạch tôm nuôi đạt kích cỡ, phòng thiệt hại do mưa bão gây ra gây ra

Tận dụng tiềm năng, lợi thế ao hồ, mặt nước, những năm qua gia đình anh Võ Xuân Đông ở xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh đã đầu tư nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Anh Đông cho biết, với gần 9.000m2 ao hồ, năm được mùa thu nhập từ nuôi tôm đã mang về cho gia đình anh khoảng hơn 200 triệu đồng.

Anh Võ Xuân Đông ở xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh đầu tư nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Võ Xuân Đông ở xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh đầu tư nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao

Toàn ao hồ được anh Đông che chắn, giăng lưới kích thước nhỏ để hạn chế tôm nuôi thoát ra ngoài trong mùa mưa lũ

Toàn ao hồ được anh Đông che chắn, giăng lưới kích thước nhỏ để hạn chế tôm nuôi thoát ra ngoài trong mùa mưa lũ

“Mùa mưa lũ, cùng với theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tôi đã chủ động gia cố, sửa chữa bờ ao, cống thoát nước, tiến hành giăng lưới kích thước nhỏ để hạn chế tôm nuôi thoát ra ngoài. Đặc biệt, với những lứa tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm là thu hoạch nhanh gọn, phòng ngừa thiệt hại do mưa bão gây ra”, anh Võ Xuân Đông cho biết.

Hà Tĩnh có 137km bờ biển và hệ thống ao hồ, sông suối khá dày đặc. Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua tại hầu hết các địa phương ven biển như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…người dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi trồng thủy quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nuôi cua, cá chim vây vàng, các loài cá lồng bè… theo hình thức thâm canh công nghệ cao được áp dụng rộng rãi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế. Hiện tại, công tác phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ đã được các địa phương và người dân chủ động triển khai, nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại.

“Nuôi trồng thủy sản phát triển tại nhiều địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, mùa mưa lũ huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân kịp thời thu hoạch hải sản khi đủ điều kiện. Tập trung gia cố, nâng cấp ao nuôi, chuẩn bị đầy đủ vật tư ứng phó với các tình huống lũ lụt và có phương án xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh phù hợp”, ông Lê Hồng Cơ - Trưởng phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Lộc Hà cho biết.

Hệ thống ao hồ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh được gia cố, nâng cấp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ

Hệ thống ao hồ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh được gia cố, nâng cấp, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh có khoảng 6.722 ha ao hồ, mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi nhuyễn thể là 442 ha. Nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi ao hồ, nuôi lồng, bè, chòi canh…) phát triển đồng đều ở các địa phương ven biển, ven sông và những vùng có lợi thế về mặt nước.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã ban hành các văn bản về tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản, tuyên truyền người dân theo dõi diễn biến thời tiết, các công điện của Trung ương và của tỉnh. Chủ động cử cán bộ đi kiểm tra tại các vùng xung yếu, hướng dẫn người dân thu hoạch sản phẩm đạt kích cỡ, tăng cường gia cố bờ ao, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư phòng chống, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Cán bộ, nhân viên Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động các phương án phòng chống bão lũ, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do mưa lũ gây ra

Cán bộ, nhân viên Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh trực tiếp xuống địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động các phương án phòng chống bão lũ, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do mưa lũ gây ra

Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ thường xảy ra bất ngờ, trong đó nghề nuôi trồng thủy sản được cho là dễ chịu thiệt hại, rủi ro cao nhất. Vì vậy, với người dân Hà Tĩnh việc chủ động triển khai các phương án ứng phó là biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Văn Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-chu-dong-cac-phuong-an-dam-bao-an-toan-nuoi-trong-thuy-san.html
Zalo