Hà Tĩnh: Cần 'đòn bẩy' để nâng tầm Khu kinh tế Vũng Áng

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ, trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh là Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Thế nhưng, ở đây chưa có trung tâm dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như triển vọng tương lai.

Xe tải ùn ứ trước cảng biển

Dọc Quốc lộ 12C, đoạn xuống Cảng quốc tế Lào - Việt có nhiều xe tải xếp hàng dài. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Dọc Quốc lộ 12C, đoạn xuống Cảng quốc tế Lào - Việt có nhiều xe tải xếp hàng dài. Ảnh: Cẩm Kỳ.

KKT Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vị trí địa lý nhiều thuận lợi: Cách TP Hà Tĩnh gần 70 km về phía Nam, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 50 km về phía Bắc, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, thuận tiện cho sự giao thương…

Từ KKT Vũng Áng, theo Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với các vùng trong cả nước. Bên cạnh đó, theo Quốc lộ 8A và Quốc lộ 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Đặc biệt, tại KKT Vũng Áng có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh tiếp tục xác định KKT Vũng Áng là một trung tâm động lực tăng trưởng của địa phương.

Đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, chế tạo sau thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.

Kỳ vọng là thế, nhưng thực tế, các dịch vụ tại KKT Vũng Áng chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử như tình trạng ùn ứ xe tải chở hàng trên Quốc lộ 12C, đoạn xuống Cảng quốc tế Lào - Việt.

Ghi nhận trên Quốc lộ 12C, gần Cảng quốc tế Lào – Việt từ ngày 31/3 đến 2/4/2025, hàng trăm xe tải cỡ lớn tấp kín, chực chờ 2 bên đường.

Hầu hết bãi đất xung quanh khu vực Cảng quốc tế Lào – Việt không còn chỗ trống, buộc tài xế đưa xe đỗ 2 bên đường. Lượng phương tiện lưu thông đông khiến Quốc lộ 12C xuống cấp, mặt đường lầy lội, trơn trượt, bụi bẩn. Nguy cơ tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Một tài xế xe tải chia sẻ, do mấy ngày nay trời mưa, biển động, tàu không thể xuống hàng cho xe tải vào nhận hàng. “Mỗi khi trời mưa hoặc biển động, sóng lớn, tàu không thể xuống hàng. Trong cảng không có bãi đỗ xe nên xe chúng tôi phải đỗ 2 bên đường. Nếu nhanh 1-2 ngày, có khi phải chờ 1 tuần”, tài xế này cho biết.

Không có bãi đỗ xe, xe tải phải đỗ 2 bên đường, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Ảnh: HN.

Không có bãi đỗ xe, xe tải phải đỗ 2 bên đường, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao. Ảnh: HN.

Bày tỏ lý do phải đỗ xe 2 bên Quốc lộ 12C, tài xế N.V.T (trú xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cho hay: Phía Cảng quốc tế Lào – Việt không có chỗ cho xe đỗ nên buộc phải đỗ ngoài cảng, dọc 2 bên đường. Khu vực này bãi cho thuê để đỗ xe cũng không có. Cứ trời mưa, biển động là xe ùn ứ hàng loạt.

Các tài xế xe tải chia sẻ, việc chờ lấy hàng kéo dài nhiều ngày làm cho anh em hết sức mệt mỏi. Việc tìm chỗ ăn, ngủ, nghỉ cũng là vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh trật tự.

Chưa có doanh nghiệp đầu tư dịch vụ logistics

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP cảng quốc tế Lào – Việt, cho biết: Quy hoạch của Cảng quốc tế Lào – Việt chỉ có kho bãi để hàng, không có chỗ đậu xe. Đơn vị chỉ có trách nhiệm quản lý xe, hàng ở trong cảng, còn phía ngoài không thuộc trách nhiệm của đơn vị.

Mặt đường trước cổng vào Cảng quốc tế Lào - Việt bụi bẩn, mặt đường hư hỏng nhiều nơi. Ảnh: HN.

Mặt đường trước cổng vào Cảng quốc tế Lào - Việt bụi bẩn, mặt đường hư hỏng nhiều nơi. Ảnh: HN.

“Xe tải chở hàng quá cảnh phải làm xong thủ tục hải quan mới được vào cảng nhận hàng, còn xe tải chở hàng xuất khẩu thì vào cảng mới làm thủ tục. Trường hợp xe chở hàng quá cảnh đã xong thủ tục nhưng nếu gặp trời mưa, biển động, tàu chưa thể xuống hàng được thì buộc xe tải phải chờ. Các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí nên không cho xe vào kho bãi nên đỗ xe chờ phía ngoài đường” - ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Tĩnh, dọc tuyến Quốc lộ 12C xuống Cảng quốc tế Lào – Việt không có biển cấm dừng đỗ xe nên xe tải đỗ 2 bên đường không vi phạm pháp luật.

"Tuy nhiên, thực tế tình trạng xe đỗ 2 bên Quốc lộ 12C đoạn xuống cảng đã gây ra tai nạn giao thông. Với trách nhiệm của đơn vị, đã đề xuất, kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh lập quy hoạch bãi đỗ xe" - cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Tĩnh nói.

Khu vực Cảng quốc tế Lào - Việt nhìn từ trên cao. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Khu vực Cảng quốc tế Lào - Việt nhìn từ trên cao. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Một cán bộ Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại KKT Vũng Áng cần sớm xây dựng trung tâm dịch vụ logistics.

"Trong quy hoạch, KKT Vũng Áng đã có 2 khu vực trung tâm dịch vụ logistics và quá trình xúc tiến đầu tư, tỉnh đã chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư thực hiện dự án", cán bộ Ban Quản lý KKT Vũng Áng nói.

Theo quy hoạch, khu vực cảng Vũng Áng sẽ có 11 cầu cảng và khu vực cảng Sơn Dương sẽ có 53 bến cảng. Hiện nay, tại cảng Vũng Áng, ngoài cầu cảng số 1 và số 2 đã đi vào hoạt động thì cầu cảng số 3 của Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt chuẩn bị đi vào vận hành, khai thác; Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đang đầu tư xây dựng cầu cảng số 4, Công ty TNHH Cảng Phoenix Vũng Áng Việt Nam đầu tư cầu cảng số 5 và số 6.

Hạnh Nguyên - Cẩm Kỳ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-tinh-can-don-bay-de-nang-tam-khu-kinh-te-vung-ang-10302988.html
Zalo