Hạ tầng xử lý rác thải: Đáp ứng yêu cầu môi trường

Với sự đi vào hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (Hương Thủy), rác thải sinh hoạt của 6/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

 Thu gom, xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (Hương Thủy)

Thu gom, xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (Hương Thủy)

Đáp ứng đủ nhu cầu

Từ năm 2021, UBND tỉnh đã kêu gọi đầu tư và lựa chọn Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Thừa Thiên Huế thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (Nhà máy Phú Sơn). Đây là cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô 600 tấn/ngày theo công nghệ đốt rác phát điện hiện đại, phù hợp với quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn khí thải đáp ứng theo tiêu chuẩn châu Âu, thực hiện tiếp nhận rác từ tháng 9/2023. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, về cơ bản chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh đã được xử lý, giảm thiểu tối đa việc chôn lấp trên địa bàn tỉnh.

Nhằm có phương án dự phòng đảm bảo xử lý chất thải rắn trong trường hợp Nhà máy Phú Sơn gặp sự cố, tỉnh đã triển khai xây dựng các bãi chôn lấp tại 2 khu xử lý chính tập trung ở 2 xã Phú Sơn (Hương Thủy) và Hương Bình (Hương Trà). Đồng thời, hoàn thiện lò đốt chất thải rắn có quy mô 20 tấn/ngày tại khu xử lý Lộc Thủy (Phú Lộc) để có thể tiếp nhận xử lý chất thải rắn ở địa bàn huyện Phú Lộc và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Các dự án xây dựng bãi chôn lấp, khu xử lý lò đốt đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam cột A trước khi thải ra môi trường.

Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT), Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, với việc Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Phú Sơn đi vào hoạt động, hơn 80% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh được xử lý bằng phương pháp đốt rác phát điện, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp dưới 20%, đáp ứng yêu cầu theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết, năm 2023, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh đạt 96,8%. Hạ tầng xử lý rác thải hiện nay đã đáp ứng nhu cầu. Với sự đi vào hoạt động của Nhà máy Phú Sơn, rác thải sinh hoạt của 6/9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đã được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Hoàn thiện hạ tầng xử lý

Theo Chi cục BVMT, trong năm 2025, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Phong Điền dự kiến được đưa về xử lý tại Nhà máy Phú Sơn. Như vậy, chỉ còn 2 huyện Quảng Điền và A Lưới thực hiện xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp. Trong giai đoạn tiếp theo, khi khối lương rác thải tăng theo quá trình phát triển, dự kiến tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải tại các khu quy hoạch về xử lý rác thải như Hương Bình, Phong Thu.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xem chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trong đó quy định cụ thể về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn và bắt buộc phải triển khai đồng loạt trên cả nước kể từ ngày 1/1/2025. Theo quyết định của UBND tỉnh quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được phân thành 4 nhóm: Nhóm tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải thực phẩm; nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải còn lại...

Ông Nguyễn Hoàng Phước thông tin thêm, để quản lý hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn trên toàn tỉnh thì cơ sở hạ tầng về thu gom và xử lý chất thải cũng phải đảm bảo đồng bộ. Khi chưa có các cơ sở xử lý riêng lẻ từng loại chất thải như chất thải thực phẩm, chất thải còn lại… thì các loại chất thải này được thu gom và thực hiện xử lý tại Nhà máy Phú Sơn.

Nhằm đảm bảo hạ tầng phù hợp cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại, hiện nay, các địa phương đã quy hoạch, bố trí các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, chất thải cồng kềnh thực hiện tiền xử lý. Việc phân loại rác tại nguồn sẽ tận dụng thu hồi và tái sử dụng được các loại chất thải làm nguyên liệu sản xuất cho các quá trình sản xuất khác, không cần thiết phải đốt khi có thể thu gom riêng. Do vậy, việc phân loại rác tại nguồn sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu lượng rác phải vận chuyển về cơ sở xử lý.

Việc kêu gọi xã hội hóa để xử lý, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải là chính sách được Nhà nước khuyến khích thực hiện, tuy nhiên khi triển khai áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, công tác phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ, triệt để, do đó nguồn rác ban đầu cho các nhà máy xử lý chưa đảm bảo chất lượng, đặc biệt đối với các nhà máy xử lý bằng ủ phân compost làm chất lượng sản phẩm không cao.

Muốn xây dựng nhà máy cần lượng rác đủ lớn, đảm bảo đủ công suất trong 1 ngày. Tuy nhiên, một số địa phương kể cả đô thị trung tâm cũng chỉ có 200- 300 tấn rác/ngày nên gặp khó trong việc xây dựng các nhà máy để xử lý tập trung. Ở địa bàn tỉnh, để có đủ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đủ để xây dựng nhà máy phải tiến hành thu gom ở các địa phương xa, làm tăng chi phí vận chuyển.

Theo Chi cục BVTM, định mức kinh tế - kỹ thuật về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được ban hành nên các địa phương đang lúng túng trong quá trình xây dựng giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dịch vụ vận chuyển, thu gom; phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải; hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo thể tích hoặc khối lượng chất thải.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/ha-tang-xu-ly-rac-thai-dap-ung-yeu-cau-moi-truong-146522.html
Zalo