Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất làm đường trên cao quy mô 12.800 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII) đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai về đề xuất làm Dự án đường trên cao dọc tuyến Quốc lộ 51, đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Tấn Đức chủ trì buổi làm việc với đại diện Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Tấn Đức chủ trì buổi làm việc với đại diện Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Tấn Đức đã chủ trì buổi làm việc để nghe Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII - sàn HoSE) báo cáo đề xuất ý tưởng Dự án đường trên cao dọc tuyến Quốc lộ 51, đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11.

Dự án gồm 03 hạng mục chính là xây dựng hoàn thiện nút giao ngã tư Vũng Tàu; xây dựng cầu vượt trực thông trên quốc lộ 1 đoạn tuyến tránh thành phố Biên Hòa và xây dựng đường trên cao dọc tuyến Quốc lộ 51. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 12.800 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Tấn Đức cho biết việc đầu tư hoàn thiện nút giao ngã tư Vũng Tàu là vấn đề rất cấp bách khi lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 51 hiện rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Nhất là khi tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào khai thác trong năm 2026, lưu lượng phương tiện đổ về nút giao này dự kiến sẽ còn lớn hơn.

Trong bối cảnh ngân sách tỉnh đang tập trung cùng Trung ương đầu tư các tuyến đường cao tốc, vành đai, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hoan nghênh đề xuất của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh trong việc thực hiện dự án theo hình thức PPP.

Trong hơn 20 năm hoạt động vừa qua, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã tham gia xây dựng được danh mục các cơ sở hạ tầng lớn tại khu vực TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với tổng quy mô vốn đầu tư đạt khoảng 34.500 tỷ đồng. Trong đó, gồm 12 dự án hạ tầng giao thông với tổng giá trị đầu tư gần 30.000 tỷ đồng.

Vừa qua, Hội đồng Quản trị Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương nghiên cứu dự án đầu tư phát triển đô thị gắn kết giao thông công cộng (TOD).

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu CII của Hạ tầng Kỹ thuật từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu CII của Hạ tầng Kỹ thuật từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Công ty cũng chuẩn bị họp Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm xin ý kiến cổ đông thông qua tờ trình về việc tham gia đấu thầu Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (91,12 km) với tổng mức đầu tư ước tính 38.693 tỷ đồng. Dự án này cũng sẽ được thực hiện theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Mảng thu phí giao thông (BOT) hiện đóng góp lớn vào doanh thu của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Hiện công ty đang vận hành các dự án trong giai đoạn thu phí hoàn vốn như: dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, dự án mở rộng quốc lộ 60 nối liền Bến Tre và Trà Vinh, dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 741, quyền thu phí giao thông cầu Cổ Chiên…

Giai đoạn 2024 - 2033, doanh thu mảng BOT của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung chủ yếu ở 3 dự án gồm BOT Ninh Thuận, BOT Xa lộ Hà Nội và BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (chiếm tỷ trọng từ 80-90%).

Trong số này, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ duy trì mức đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu, ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ước tính.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ha-tang-ky-thuat-tp-hcm--cii--de-xuat-lam-duong-tren-cao-quy-mo-12-800-ty-dong-132002.htm
Zalo