Hà Nội yêu cầu điều trị tốt nhất cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi mưa bão
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị...
Chiều 11/9, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành công văn khẩn số 293 đến các đơn vị trực thuộc về việc đảm bảo công tác đáp ứng y tế và khắc phục hậu quả sau Bão số 3 (Yagi).
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian gần đây; tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Các đơn vị tiếp tục đảm bảo công tác thường trực 4 cấp. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh mội trường, an toàn thực phẩm tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ.
Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư y tế để ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, để xử trí cấp cứu người bệnh kịp thời.
Tập trung cứu chữa người bị thương; khẩn trương khắc phục hậu quả tại các cơ sở y tế, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, không được để người dân, người bệnh không được khám chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biên thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão để chủ động triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Đối với công tác khám chữa bệnh, thực hiện phân cấp hỗ trợ chuyên môn. Đối với bệnh nhân nặng, nguy kịch, cần hội chẩn các chuyên khoa đầu ngành, lập các nhóm Zalo giữa các cấp chuyên môn để được hỗ trợ, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh kịp thời.
Trường hợp bệnh nhân nặng cần chuyển viện, căn cứ vào tình trạng người bệnh và tình hình thời tiết (mưa, ngập lụt...), đơn vị có thể chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất, phù hợp để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Các cơ sở y tế đảm bảo trực ban, trực cấp cứu 24/24h, liên lạc thông suốt; thực hiện tổng hợp và báo cáo kịp thời công tác đảm bảo y tế, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố về Sở Y tế theo quy định.
Hướng dẫn vệ sinh cá nhân trong và sau mùa lũ. Nguồn: Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế).
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 11/9, lãnh đạo Sở cũng đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, và đáp ứng y tế phục vụ người dân tại một số nơi trên địa bàn.
Tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình và Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đánh giá đây là nơi có nhiều điểm ngập úng, do mực nước trên sông Hồng đang dâng cao những ngày qua.
Tại Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 (phố Tân Ấp, phường Phúc Xá), toàn bộ khu vực dẫn vào bệnh viện bị ngập sâu, tầng một của bệnh viện có hiện tượng ngập nước. Để đảm bảo an toàn, bệnh viện đã thông tin đến người bệnh, gia đình người bệnh tình hình ngập lụt, bố trí giường bệnh và di chuyển bệnh nhân lên tầng 2 để tiếp tục điều trị.
Đồng thời, chủ động các biện pháp bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị, vật tư y tế. Đến nay, công tác khám chữa bệnh của bệnh viện được duy trì nghiêm túc, không có thiệt hại xảy ra.
Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội đã huy động sự hỗ trợ, phối hợp chuyển bệnh nhân điều trị ngoại khoa của Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 về Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; bệnh nhân điều trị thận của bệnh viện về Bệnh viện Thận Hà Nội và chuyển một số bệnh nhân khó khăn trong đi lại, sinh hoạt về Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 1 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh và nhân viên y tế.
Qua kiểm tra, ông Nguyễn Đình Hưng lưu ý bệnh viện phải tiến hành thống kê, rà roát lại toàn bộ cơ sở vật chất, chủ động công tác vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế và sẵn sàng công tác ứng trực, khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Ngay sau khi kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội tiếp tục kiểm tra tại điểm chợ Hàng Bè (phố Vọng Hà, phường Chương Dương) - nơi chính quyền địa phương sử dụng giúp người dân tránh trú trong thời gian lũ lụt.
Trước đó, để bảo đảm an toàn cho người dân, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã vận động, hỗ trợ một số hộ dân tại khu vực có nguy cơ cao nhất xảy ra ngập lụt di tản tới chợ Hàng Bè (phố Vọng Hà). Tại đây có cán bộ y tế của Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm và trạm y tế trên địa bàn trực công tác y tế phục vụ người dân.
Cũng để bảo vệ sức khỏe cho người dân sau mưa lũ, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã đưa ra hướng dẫn xử lý nước sau mùa lũ.