Hà Nội xứng danh thành phố sáng tạo của khu vực

Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển công nghiệp văn hóa.

Luật bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhiều quy định, thể hiện qua các chính sách đặc thù, giúp gỡ nhiều "điểm nghẽn" cho Hà Nội trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa.

2024 là một năm rực rỡ của những sự kiện văn hóa, nghệ thuật nổi bật. Từ những chuỗi sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và dân tộc như: 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đến những liên hoan mang đậm màu sắc văn hóa Thăng Long Hà Nội như: Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Áo dài Du lịch, Đoài Melody, Lễ hội sen Tây Hồ. Rồi rất nhiều các concert, chương trình âm nhạc đình đám thu hút hàng vạn lượt người xem, hai show diễn: “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” cháy vé; các show hòa nhạc cổ điển và show Hà Nội Rock, Nhịp điệu trẻ của Đài Hà Nội có hiệu ứng mạnh mẽ.

Và ấn tượng sâu sắc có sức lan tỏa, được công chúng đón nhận, đó là Tuần lễ Sáng tạo Hà Nội 2024 có chủ đề: “Giao lộ sáng tạo”. Đây là sự kiện bứt phá, mang đến nhiều sáng kiến sáng tạo nhất, kết nối di sản Thủ đô, thúc đẩy các nhà thiết kế trẻ cũng như tiếp tục định vị thành phố sáng tạo với UNESCO, là kỳ lễ hội thành công nhất từ trước đến nay.

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

Văn hóa được trao một vị thế mới, danh xưng mới để được “tạo đà”với đầy đủ sự hỗ trợ, khuyến khích để “bứt phá”.

Luật Thủ đô năm 2024 đã đưa ra những cơ chế đột phá khi cho phép Thành phố được áp dụng phương thức đối tác công tư PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Luật cho phép ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý công trình văn hóa, thể thao là tài sản công cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thời gian nhất định. Điều này tháo gỡ “điểm nghẽn” quan trọng cho “nút thắt” hợp tác công tư.

Đối với Hà Nội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua là “cú hích” lớn để ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội - đúng theo định hướng năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Lê Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ha-noi-xung-danh-thanh-pho-sang-tao-cua-khu-vuc-293610.htm
Zalo