Hà Nội: Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, ngày 21/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, song Đảng bộ Thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, với quyết tâm chính trị cao, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố.

Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy tiếp tục được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo. Hà Nội đã triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; các nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển Thủ đô và kịp thời giải quyết tốt các vấn đề phát sinh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Thành ủy đã tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024; kịp thời tham mưu, báo cáo với Bộ Chính trị và trình Quốc hội, Chính phủ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch quan trọng của Thủ đô, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng có tính chiến lược để Hà Nội phát huy lợi thế, phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, Thành ủy đã chỉ đạo đánh giá tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô; tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đặc biệt là Lễ kỷ niệm cấp quốc gia để lại dấu ấn sâu sắc đối với nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Hà Nội cũng đã tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại 10 chương trình công tác, 3 khâu đột phá đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, gắn với cụ thể hóa, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về xây dựng Đảng.

Công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy đạt kết quả toàn diện. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường, có chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới…

Về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục đi đầu trong sắp xếp, xây dựng hệ thống chính trị Thành phố tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và 10 chương trình công tác đã đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 258-KH/TU của Thành ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan đảng và cơ quan nhà nước toàn Thành phố…

Lưu ý năm 2025 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Trước mắt, cần quan tâm tổ chức phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Ất Tỵ; đẩy mạnh các hoạt động chào đón năm mới, mừng Xuân mới, gắn với các phong trào thi đua, hoạt động thiết thực kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) và 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025)…

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã trao đổi, làm rõ các ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị, bao gồm kiến nghị bổ sung các nội dung trong Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, cần cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội với tư cách là trung tâm lớn nhất của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo để qua đó đẩy mạnh khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Đối với các chỉ tiêu, đa số đại biểu nhất trí với phương án 2: Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 10,5 - 11,0%; GRDP bình quân/người khoảng 291 - 298 triệu đồng (tương đương khoảng 11.500 USD); vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2026 - 2030: 4,86 - 5,0 triệu tỷ đồng (giá hiện hành); tốc độ tăng năng suất lao động từ 8,5 - 9,0%; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP dưới 1,3%.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, việc lựa chọn phương án 2 (tăng trưởng hai con số) là một thách thức lớn với thành phố. Trên cơ sở đó, Tổ Biên tập và Tiểu ban văn kiện cũng như các cơ quan nghiên cứu đã tổ chức tọa đàm, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học Trung ương cũng như Thành phố.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-xay-dung-he-thong-chinh-tri-tinh-gon-hieu-luc-hieu-qua-183561.html
Zalo