Hà Nội ưu tiên việc hoàn thiện khung pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.

Trong đó bao gồm việc phát triển các quy định cụ thể hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới...

Ông Đỗ Hoàng Tú, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày tham luận. Ảnh: Thu Hằng

Ông Đỗ Hoàng Tú, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày tham luận. Ảnh: Thu Hằng

Tại hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024 diễn ra chiều 1-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, ông Đỗ Hoàng Tú, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.

Theo ông Đỗ Hoàng Tú, những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ, tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động này của thành phố. Trong năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp thực hiện 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp, công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm để thử nghiệm các giải pháp, phương pháp mới, sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới tại doanh nghiệp.

Từ tháng 7-2023 đến tháng 6-2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 10 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật và 13 Giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng, trong đó có một số hoạt động nhận chuyển giao hoặc nghiên cứu, làm chủ công nghệ từ nước ngoài trên địa bàn thành phố trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: Công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo... Trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố triển khai năm 2023 có 4 nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu ứng dụng, giải mã, làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Hằng

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Hằng

Tuy nhiên, hoạt động này của Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn vì hệ thống thông tin, dịch vụ khoa học và công nghệ chưa thực sự thúc đẩy sự trao đổi thông tin giữa bên cung cấp công nghệ và bên có nhu cầu đổi mới công nghệ; việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp còn mất nhiều thời gian, việc giám định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng khi gia hạn thời hạn dự án đầu tư, nhất là những dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn vướng mắc...

Ông Đỗ Hoàng Tú cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể hóa các chính sách đã được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy các lợi thế cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-uu-tien-viec-hoan-thien-khung-phap-ly-ve-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-679925.html
Zalo