Hà Nội ưu tiên đầu tư tái thiết nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội
Chiều 4/10, kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố đã cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035. Chương trình áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến Chương trình phát triển đô thị.
Tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị
Trình bày tờ trình của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Chương trình đã đánh giá hiện trạng, xác định các tiêu chuẩn và tiêu chí, các vấn đề cần giải quyết đối với 12 quận hiện có và 5 huyện (Hoài Đức; Thanh Trì, Gia Lâm; Đông Anh Đan Phượng) có kế hoạch phát triển quận, đáp ứng phân loại đô thị Thành phố; tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính Thành phố - là điều kiện cần đối với các hồ sơ đề án thành lập quận.
Chương trình bảo đảm 5 nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị, trong đó phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị; phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng; khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững; tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hòa với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có.
Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 (xây dựng cho giai đoạn 5 - 10 năm, theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị - Văn bản hợp số 15/VBHN ngày 12-10-2023 và Thông tư số 06/2023/TT-BXD ngày 8/9/2023 của Bộ Xây dựng) bao gồm các nội dung cơ bản: Tỷ lệ đô thị hóa toàn Thành phố hiện nay đạt khoảng 49,1%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 toàn Thành phố phấn đấu đạt khoảng 55-65%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2035 toàn Thành phố đạt khoảng 60-70%.
Số lượng quận, danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và quận, phường dự kiến thành lập mới gồm gồm 16 quận (12 quận hiện có và 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì dự kiến thành lập quận) theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 3/3/2024 của UBND Thành phố và Báo cáo số 01-BC/BCĐ ngày 7/6/2024 của Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển 5 huyện thành quận về tổng kết tình hình thực hiện các Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện thành quận năm 2023, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2024.
Danh mục quận dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và quận, phường dự kiến thành lập mới: Thực hiện theo đề án, kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân theo Kết luận số 48-KL/TW 2023 ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Số lượng đô thị, danh mục đô thị, đô thị dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và đô thị dự kiến thành lập mới thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương theo phân loại đô thị sẽ tuân thủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, hoàn thành chỉ tiêu chất lượng đô thị của 16 quận nội thành tương đương đô thị loại đặc biệt theo quy định của Luật Thủ đô; công nhận Thành phố loại III - Sơn Tây trực thuộc Thủ đô.
Diện tích nhà ở trung bình đạt 28m2 sàn/người
Theo Chương trình, Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại phía Bắc theo Quy hoạch chung để tiến tới hình thành thành phố phía Bắc với hạt nhân chính là quận Đông Anh trong giai đoạn đến năm 2045; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại Hòa Lạc, Xuân Mai để tiến tới hình thành thành phố phía Tây trong giai đoạn đến năm 2045; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín để tiến tới hình thành thành phố phía Nam trong giai đoạn đến năm 2045. Công nhận 10 thị trấn loại V.
Về mật độ dân số, toàn đô thị của thành phố Hà Nội đạt trên 3.000 người/km2. Mật độ dân số trong khu vực nội thành, nội thị, thị trấn giai đoạn đến năm 2035 đạt 12.000 người/km2.
Diện tích đất tự nhiên toàn đô thị (km2) không bao gồm diện tích núi cao, mặt nước, không gian xanh có giá trị là vùng sinh thái, khu dự trữ thiên nhiên được xếp hạng về giá trị sinh học và các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của toàn thành phố Hà Nội là 2.414km2 .
Diện tích xây dựng đô thị trong khu vực nội thành đến năm 2035 (bao gồm tổng diện tích 12 quận và 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) là 540km2. Khu vực các đô thị còn lại sẽ theo định hướng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được phê duyệt.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực nội thành phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 được phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn đến năm 2035, trung bình đạt khoảng 28m2 sàn/người (đã bao gồm diện tích nhà ở tăng thêm tương ứng với dân số dự báo) trong đó ưu tiên đầu tư tái thiết nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội.
Diện tích cây xanh toàn đô thị bình quân đầu người phấn đấu đến năm 2035 đạt 6m2/người. Diện tích cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành phấn đấu đến năm 2035 đạt 4m2/người…
Dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí tổng thể và trong khung thời gian của Chương trình, giai đoạn thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình, đề án tối thiểu hơn 2,9 triệu tỷ đồng.