Hà Nội: Tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng, tránh bão số 3
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục thông tin thường xuyên liên tục diễn biến, dự báo đường đi, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó giông lốc, sấm sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại của cơn bão số 3.
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, những thông tin về cơn bão số 3 (bão YAGI)- cơn bão được dự báo lớn nhất trong nhiều năm gần đây thu hút sự quan tâm lớn trong xã hội; thông tin về cường độ, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng đến các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hà Nội được chia sẻ rộng rãi trên các kênh thông tin, môi trường mạng.
Nhiều ý kiến ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng trong công tác chuẩn bị, ứng phó bão. Ngoài ban hành Công điện, văn bản chỉ đạo, lãnh đạo các cấp đã trực tiếp đến thực địa đôn đốc, kiểm tra công tác ứng trực, di dời nhân dân ở các khu vực “trọng điểm” chịu ảnh hưởng của bão... được dư luận đồng tình, đánh giá với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, chủ động sẽ mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Đối với thành phố Hà Nội, ý kiến chung đánh giá tích cực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp, đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp, phương án cần thiết, nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó bão số 3 và bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản do siêu bão gây ra được dư luận đồng tình cao.
Đáng chú ý, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã xây dựng phương án chủ động ứng phó với cơn bão số 3, cụ thể như: Quận Hoàng Mai tổ chức di dời 160 người dân tại chung cư A7 Tân Mai, phường Tân Mai (khu nhà 5 tầng đã xuống cấp thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) ngay trong đêm 6/9 đến Trường tiểu học Tân Mai, chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết kế để đảm bảo an toàn cho người dân trước khi bão YAGI đổ bộ; các phường Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã (quận Ba Đình) tổ chức ứng trực sẵn sàng di chuyển người và tài sản khỏi nhà nguy hiểm C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148 - 150 Sơn Tây khi có sự cố.
Trước lo ngại ảnh hưởng của bão số 3, nhu cầu mua sắm thực phẩm tăng cao hơn trước, người dân chủ yếu mua hàng thiết yếu để dự trữ phòng tránh bão; các siêu thị chủ động dự trữ lượng lớn nhu yếu phẩm, thực phẩm khô, kéo dài thời gian mở cửa trước khi siêu bão YAGI đến đáp ứng nhu cầu của người dân. Sáng nay nhiều cửa hàng đã chủ động đóng cửa không hoạt động để tránh bão.
Đặc biệt, những ý kiến chỉ đạo trong cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (ngày 6/9) về các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3, là những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, có ý nghĩa quan trọng nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3, được thực hiện kịp thời, với tần suất, thời lượng tuyên truyền thường xuyên, liên tục, trên nhiều phương tiện, qua nhiều hình thức (facebook, zalo, SMS, hệ thống loa truyền thanh...), giúp người dân yên tâm, bình tĩnh, chủ động trong phòng ngừa, ứng phó với bão YAGI.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật kịp thời thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa lũ, chủ động thông tin, tuyên truyền kịp thời đến từng tổ dân phố, khu dân cư và người dân cách phòng tránh mưa bão, xử lý các tình huống khi có mưa bão xảy ra không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước trên toàn thành phố, có phương án đảm bảo an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt lưu ý đối với các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức…
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, nắm tình hình hệ thống tuyên giáo Thành phố triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3, qua đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp…
Trước và trong thời gian cơn bão số 3 diễn ra, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, kịp thời cung cấp thông tin định hướng, nắm bắt tình hình dư luận, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thống nhất về tư tưởng, nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về diễn biến, tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3.
Trên các trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm và các trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố, tiếp tục duy trì và gia cố các pano, banner, cụm mô hình, quốc kỳ và đảng kỳ, cụm cờ, hệ thống màn hình LED... đảm bảo an toàn. Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra, đảm bảo điện phục vụ cho các công trình. Hệ thống đèn điện chiếu sáng (trên những tuyến đường công cộng, tại các vườn hoa…) được bảo trì, gia cố ổn định. Duy trì trang trí chiếu sáng tại các tuyến đường huyết mạch khu vực trung tâm Thành phố, cũng như tại mặt tiền trụ sở các cơ quan, công sở, tòa nhà, khách sạn...
Các báo, đài chủ động xây dựng chuyên trang, chuyên mục và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cơn bão số 3. Trong đó tập trung thông tin về diễn biến bão số 3 và những chỉ đạo, triển khai ứng phó bão của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Nhiều tin, bài được các cơ quan báo chí Hà Nội sử dụng loại hình báo chí mới, ứng dụng công nghệ thông tin, dễ hiểu, dễ tiếp cận, đạt được hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa cao; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô cập nhật kịp thời thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão.
Cũng theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô thể hiện rõ vai trò là một trong những mũi nhọn quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, ngay cả trong thời điểm cơn bão số 3 diễn ra trên địa bàn Thành phố. Thông qua việc thực hiện các hình thức thông tin, tuyên truyền đa dạng, phong phú góp phần nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân trong tình hình mới.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô nhìn chung ổn định. Công tác cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường được duy trì và đảm bảo.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục thông tin thường xuyên liên tục diễn biến, dự báo đường đi, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó giông lốc, sấm sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại của cơn bão số 3.
Cùng với đó, tăng cường thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương, Thành phố đến địa phương, cơ sở trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
“Nắm tình hình, định hướng về tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô; làm tốt công tác phòng, ngừa, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phát sinh; không để hình thành các điểm nóng, góp phần quan trọng bồi đắp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội”, báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu rõ.