Hà Nội trong tôi: thiêng liêng sắc đỏ Quốc kỳ

Đã thành thông lệ, mỗi khi bước vào những ngày lễ, Tết, người dân Hà Nội đều treo Cờ Tổ quốc với tất cả sự tin yêu và niềm tự hào dân tộc. Sớm mai thức giấc, những con đường thân thương của Hà Nội bỗng sáng bừng sắc đỏ Quốc kỳ và rực rỡ đèn hoa trong các ngày đại lễ lịch sử của dân tộc.

Sắc đỏ Quốc kỳ tô thắm phố Hà Nội trong lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Ảnh: Khánh Huy

Sắc đỏ Quốc kỳ tô thắm phố Hà Nội trong lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Ảnh: Khánh Huy

Quốc kỳ, Quốc ca là hình ảnh đại diện cho mỗi quốc gia trước thế giới. Dù ở bất cứ đâu, nhưng mỗi khi gặp hình ảnh lá Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng và lời bài hát Quốc ca hào hùng vang lên, lòng tôi dâng lên niềm xúc động lạ kỳ. Còn nhớ, tại một sự kiện của nước bạn, khi tôi xuất hiện với tà áo dài cách điệu cờ đỏ sao vàng, những người bạn nước ngoài liền nhận ra và bắt tay thân thiện với câu nói: “Việt Nam. Bạn là người Việt Nam”.

Trên đấu trường thể thao quốc tế, nhiều vận động viên đã bật khóc khi lá Quốc kỳ của Việt Nam được treo ở bậc cao nhất cùng tiếng Quốc ca ngân vang. Cho đến bây giờ, nhiều người hâm mộ vẫn còn nhớ khoảnh khắc cầu thủ U23 Việt Nam cắm lá cờ đỏ sao vàng trên nền tuyết trắng dày đặc tại sân Thường Châu trong trận đấu chung kết U23 châu Á năm 2018. Sắc đỏ Quốc kỳ Việt Nam trên nền tuyết trắng như khẳng định niềm tự hào dân tộc của các chiến binh quả cảm.

Có những ngày, cả đất nước Việt Nam cùng vỡ òa sung sướng khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trên đấu trường quốc tế. Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... có những đêm không ngủ. Tất cả người hâm mộ xuống đường trong sắc áo cờ đỏ sao vàng. Từng đoàn xe diễu hành chậm rãi, trật tự trong màu cờ sắc áo của dân tộc. Những lá cờ Tổ quốc được phất lên đầy kiêu hãnh cùng dòng băng - rôn “Việt Nam vô địch”. Cả biển người rưng rưng xúc động hát Quốc ca. Anh chị em báo chí chúng tôi cũng không giấu nổi cảm xúc qua từng lời thuyết minh, từng dòng tin nóng gửi về tòa soạn.

Một trong những nghi lễ thiêng liêng mà người Hà Nội thường tham dự là nghi Lễ thượng cờ. Nghi lễ thường được diễn ra trang trọng ở quảng trường Ba Đình vào 6h sáng hàng ngày. Dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ quyết thắng. Kế đến là đội tiêu binh với 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn thượng cờ tiến ra phía chân cột cờ theo tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”. Vào thời khắc 3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ cũng là lúc cánh cửa của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu mở. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ được bay lên trong tiếng Quốc ca hào hùng. Lá cờ được kéo lên trên đỉnh của cột cờ cao 29m phía trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh đi vòng qua trước cửa lăng và kết thúc nghi lễ. 21h hàng ngày, lễ hạ cờ sẽ được tiến hành theo nghi thức tương tự.

Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và trước thềm Quốc 2/9, phong trào “mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc” đã lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương trong cả nước. Phong trào này được cho rằng, bắt đầu từ anh Lê Quang Vũ, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Video quay lại quá trình vẽ lá cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà xây tặng bố mẹ của anh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Trào lưu đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong nhiều thế hệ người dân Việt Nam bằng việc làm cụ thể và ý nghĩa.

Người dân Hà Nội vừa đón nhận tin vui, UBND TP Hà Nội sẽ tặng mỗi hộ gia đình trên địa bàn 1 lá Cờ Tổ quốc nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tặng Cờ Tổ quốc theo mẫu, kích thước chung toàn TP.

Với mỗi người dân Việt Nam, sắc đỏ Quốc kỳ mang ý nghĩa thiêng liêng kết nối lòng yêu Tổ quốc của bao thế hệ từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-trong-toi-thieng-lieng-sac-do-quoc-ky-393048.html
Zalo