Hà Nội trong tôi: miền ký ức thân thương và đầy tự hào của người Hà Nội

Một trong những môn học yêu thích của tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường là môn Lịch sử. Từ những ngày còn đi học, tôi đã luôn hào hứng và say mê với những trận chiến qua từng con chữ, lớn thêm chút nữa, ở cấp học cao hơn, bên cạnh việc say sưa nghe thầy cô giáo thuật lại các trận chiến oai hùng của ông cha ta, không chỉ có tôi, mà tất cả các bạn học sinh đều bị thu hút bởi những thước phim lịch sử được các thầy cô gắn vào bài giảng điện tử.

Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024)

 Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Phương pháp học mới, giúp cho chúng tôi có cái nhìn sống động hơn bao giờ hết về những trận đánh năm xưa, về những nhân vật lịch sử anh hùng, về tài mưu lược, về những hy sinh anh dũng, những chiến công lẫy lừng và về cả niềm vui ngày chiến thắng.

Ngày Giải phóng Thủ đô trên những bức ảnh, thước phim đen trắng mà chúng tôi được xem mang lại thật nhiều cảm xúc. Sáng 10/10/1954, cả Hà Nội nhộn nhịp, ngập trong rừng cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đây, Thủ đô được hoàn toàn giải phóng, Hà Nội sạch bóng quân thù. Lịch sử mảnh đất ngàn năm văn hiến bước sang một trang mới.

Dù chỉ là thước phim đen trắng, nhưng sắc cờ, sắc hoa và tấm lòng người Hà Nội khi ấy thật rực rỡ, muôn màu biết bao!

Giờ đây, cứ đến dịp gần kề ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi lại được xem lại những bức ảnh, thước phim tài liệu quý giá về ngày trọng đại ấy. Không sinh ra và lớn lên trong thời điểm ấy nhưng nhờ có tư liệu này mà chúng tôi – những thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi công lao hiển hách của cha ông ta, thêm yêu và gìn giữ nền hòa bình của Đất nước Việt Nam.

Những dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô những năm gần đây, chúng tôi được xem cả những bộ phim ngắn có nội dung phong phú, gắn liền với ký ức về hình ảnh của Hà Nội xưa, thâm trầm, cổ kính mà qua đó thế hệ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ sẽ có dịp nhìn lại, chiêm nghiệm, nhớ về một thời quá khứ hào hùng, vẻ vang cũng như thêm hiểu, thêm yêu, thêm trân trọng lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội.

Qua màn ảnh nhỏ, chúng tôi hòa niềm vui chung với cả Hà Nội trong rạo rực niềm vui ngày giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu. Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô, mà còn là sự kiện lịch sử, ngày hội lớn của Nhân dân cả nước.

Chúng ta có thể tìm thấy Hà Nội những năm tháng ấy qua bộ phim nổi tiếng: "Hà Nội mùa chim làm tổ" của nữ đạo diễn Đức Hoàn. Phim được sản xuất năm 1978, với sự tham gia diễn xuất của Như Quỳnh và Trần Vân, bộ phim khắc họa chân thực số phận, tình yêu của những con người trẻ tuổi, đầy hoài bão và khát vọng trong bối cảnh cuộc sống mới thời kỳ hậu chiến.

Bộ phim "Khi nắng thu về" của đạo diễn Bùi Trung Hải. Bộ phim phản ánh rõ nét, sâu sắc hiện thực xã hội từ góc nhìn của lớp thanh niên hiện đại trên hành trình lập nghiệp, bám trụ nơi phố thị. Hay các bộ phim Mùi cỏ cháy, Tiền tuyến gọi, Cánh đồng hoang, Ngõ hẹp…

Khung cảnh và con người Hà Nội hiện lên với nhiều khía cạnh khác nhau, có lúc thơ mộng, có lúc bình yên, cũng có lúc loạn lạc, có lúc man mác buồn. Bây giờ và mãi về sau, những tư liệu quý giá này mãi là miền ký ức hào hùng, thân thương và đầy tự hào của người Hà Nội.

Mai Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-trong-toi-mien-ky-uc-than-thuong-va-day-tu-hao-cua-nguoi-ha-noi-390364.html
Zalo