Hà Nội triển khai học bạ số

Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có tới gần 98% trường tiểu học triển khai học bạ số. Đây cũng là địa phương dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học.

Cấp tiểu học ở Hà Nội đã triển khai học bạ số thí điểm từ tháng 4/2024. Ảnh: Quang Vinh.

Cấp tiểu học ở Hà Nội đã triển khai học bạ số thí điểm từ tháng 4/2024. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Hội nghị Tổng kết thí điểm học bạ số cấp tiểu học, phát động triển khai ở cấp phổ thông năm học 2024 - 2025 do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức ngày 12/8, báo cáo cho thấy học bạ số ở cấp tiểu học được triển khai thí điểm từ tháng 4/2024. Hà Nội cũng là một trong 10 tỉnh, thành được Bộ GDĐT chọn triển khai thí điểm thực hiện Giáo dục kỹ năng công dân số thời gian tới. Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho hay, đến nay 100% giáo viên, nhân viên các trường học tại Hà Nội đều có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành, dữ liệu về học sinh; tính đến ngày 24/6, có 27.533/29.093 giáo viên, nhân viên các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân, đạt tỷ lệ 94,64%.

Theo thông tin từ Phòng GDĐT quận Bắc Từ Liêm, hiện 18 trường tiểu học công lập và 6 trường tư thục trên địa bàn đã tham gia học bạ số. Phòng GDĐT đã lập số điện thoại riêng biệt để tiếp nhận, giải đáp kịp thời các trường trong thực hiện học bạ số. Lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Thạch Thất cho biết, đến cuối tháng 12/2023, có 100% trường mầm non, phổ thông trên địa bàn đã được cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn. Hiện 100% trường tiểu học ở Thạch Thất đã triển khai học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4. Còn tại quận Hoàng Mai, hiện 99,88% trường học trên địa bàn thực hiện học bạ số, với 34.660 học sinh từ khối 1 đến khối 4…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Cương chia sẻ, quá trình triển khai học bạ số tại Hà Nội thời gian qua còn gặp vướng mắc như việc trang cấp chữ ký số cá nhân cho giáo viên, nhân viên ở các trường tư thục còn khó khăn; phát sinh các chi phí về chữ ký số, hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; một số loại điện thoại chưa tương thích với phần mềm đòi hỏi phải nâng cấp, thay thế thiết bị; một số đơn vị giáo viên vẫn phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số…

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với Bộ GDĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND Thành phố như: Ban hành văn bản sửa đổi Điều lệ trường học các cấp học; Quy chế tạo lập, quản lý, sử dụng học bạ số tạo hành lang pháp lý triển khai chính thức học bạ số từ năm học 2024 - 2025, đồng bộ từ cấp tiểu học, THCS, THPT; hướng dẫn giải quyết vấn đề một số nhỏ học sinh chưa có mã định danh từ cơ sở dữ liệu dân cư do gia đình, phụ huynh chưa thực hiện khai báo, làm thủ tục mặc dù đã được nhà trường và cán bộ phường, xã vận động tích cực; học sinh từ nước ngoài về nước học tập. Cùng đó, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện để tất cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục sẽ được cấp chữ ký số dùng chung của Ban cơ yếu Chính phủ (không phân biệt trường công, trường tư). Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông đảm bảo an toàn, bảo mật để có thể di trú Cơ sở dữ liệu của ngành GDĐT; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục để lưu trữ học bạ số… Theo đó, học bạ số cần phải được lưu trữ, duy trì vĩnh viễn trên môi trường trực tuyến.

Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định, việc sử dụng học bạ số tăng cường tính minh bạch, tính hệ thống trong dữ liệu, tiết kiệm kinh tế khi thầy cô và các nhà trường trên cả nước không phải in hàng triệu cuốn học bạ. Chi phí tiết kiệm này có thể dùng để đầu tư cho các mục tiêu khác trong giáo dục.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ha-noi-trien-khai-hoc-ba-so-10287874.html
Zalo