Hà Nội triển khai đề án sân khấu học đường tới hơn 1.700 trường học

Đề án sân khấu học đường là hình thức học tập mở, góp phần nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, định hướng và hoàn thiện nhân cách cho học sinh.

Một tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch và được các nghệ sĩ Hà Nội biểu diễn thành công.

Một tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch và được các nghệ sĩ Hà Nội biểu diễn thành công.

Ngày 8/4, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2024”.

Thời gian qua, các Nhà hát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai hiệu quả Đề án sân khấu học đường và đã thu nhiều kết quả tốt đẹp. Nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch và được các nghệ sĩ Hà Nội biểu diễn thành công.

Đó là chùm kịch “Lời bà kể” sử dụng 2 bài học trong chương trình môn tiếng Việt tiểu học là “Mồ Côi xử kiện” và “Cây nêu ngày Tết”; “Tinh thần thể dục” dựa trên tác phẩm văn học “Tinh thần thể dục” của tác giả Nguyễn Công Hoan; vở diễn “Cây tre trăm đốt” dựa trên cốt truyện dân gian Cây tre trăm đốt; “Chuyện người con gái Nam Xương” dựa trên tác phẩm truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ...

Qua các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học còn cho các em am hiểu thêm về những phong tục, tập quán, đức tính đẹp của người Việt, về không gian làng quê Việt, về những số phận người cụ thể. Bên cạnh đó còn phê phán, đả kích những thói hư, tật xấu vẫn còn trong mỗi người.

 Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại hội nghị tổng kết.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại hội nghị tổng kết.

Nhà hát Kịch Hà Nội được phân công là đơn vị điểm trong triển khai thực hiện Đề án sân khấu học đường. Trong 3 năm thí điểm triển khai Đề án (từ 2022-2024), Nhà hát đã dàn dựng được 5 tác phẩm dựa trên tác phẩm văn học, biểu diễn được 172 buổi, phục vụ cho khoảng 80.000 học sinh tại 14 quận, huyện của Thủ đô.

Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng đã có hàng trăm buổi biểu diễn, phục vụ hàng ngàn các em học sinh xem các vở diễn chuyển thể từ tác phẩm văn học có trong chương trình sách giáo khoa. Riêng vở diễn “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát Chèo Hà Nội đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng năm 2024.

Từ năm 2022-2030, là giai đoạn trọng điểm của Đề án sân khấu học đường. Hà Nội phấn đấu sẽ biểu diễn 1.600 buổi cho tất cả các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố. Ở giai đoạn này, số lượng vở diễn được dàn dựng sẽ là 40 vở.

Đặc biệt, Đề án sân khấu học đường đặt ra mục tiêu cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội biểu diễn từ 1.800 đến 2.000 buổi, cho khoảng 1.700 trường học trên địa bàn Thành phố. Cũng có nghĩa là 1 trường phổ thông của Hà Nội chỉ được tiếp cận 1 tác phẩm văn học của 1 loại hình nghệ thuật sân khấu trong suốt 8 năm triển khai Đề án.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bạch Liên Hương nhận định, việc triển khai Đề án sân khấu hóa học đường là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Giai đoạn thí điểm là khởi đầu tốt đẹp, ý nghĩa và tiến tới sẽ thực hiện Đề án trên quy mô lớn hơn với trên 1.700 trường từ cấp tiểu học đến cấp THPT với gần 2 triệu học sinh ở cả loại hình công lập và tư thục.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-trien-khai-de-an-san-khau-hoc-duong-toi-hon-1700-truong-hoc-post726294.html
Zalo