Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ:Chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Thời gian gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng. Với phương châm 'phòng hơn chống', Hà Nội chính thức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ ngày 14-10, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ và cộng đồng.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Phong Lan

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Phong Lan

Nhiều trẻ mắc bệnh chưa tiêm vắc xin

Sau 5 ngày khởi phát bệnh với các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi…, bé gái 10 tháng tuổi (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec. Tại đây, kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với bệnh sởi. Bệnh nhi này chưa tiêm vắc xin phòng sởi. Cũng có dấu hiệu khởi phát bệnh tương tự, bé trai 9 tháng tuổi (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương, qua xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi đã mắc bệnh sởi. Bé trai này cũng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4-5 năm/lần, tương tự như các năm 2014, 2019 khi số ca bệnh tăng đáng kể. Dẫn chứng tại Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2014, toàn thành phố có 1.741 ca sởi, năm 2019 là 1.765 ca. Đặc biệt, năm 2014 có hơn 110 trẻ em tử vong do sởi. Trong khi đó, từ năm 2020 đến 2023, số mắc sởi ghi nhận rải rác: Năm 2020 có 15 ca, năm 2021 có 2 ca, năm 2022 có 1 ca và năm 2023 không có ca bệnh. Còn năm 2024, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố chỉ có 2 ca bệnh sởi; nhưng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2024 đã ghi nhận từ 4 đến 7 ca sởi mỗi tuần.

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đánh giá, thời điểm hiện tại, số ca mắc sởi bắt đầu có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn thành phố, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.

Đề cập đến sự nguy hiểm của bệnh sởi, bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết, sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, có khả năng bùng phát thành dịch lớn do khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Trung bình 1 người mắc sởi có khả năng lây cho khoảng 12-18 người khỏe mạnh, hoặc người chưa tiêm vắc xin. “Không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính, bệnh sởi còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể…”, bác sĩ Phan Nguyễn Trường Giang lưu ý.

Giảm thiểu nguy cơ bùng phát

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1980, trước khi vắc xin sởi được tiêm chủng rộng rãi, gần 2,6 triệu người đã tử vong mỗi năm. Vắc xin phòng sởi đã được sử dụng trong suốt 50 năm qua, được chứng minh an toàn, hiệu quả, ít tốn kém. Trong giai đoạn 2000-2012, vắc xin phòng sởi đã giúp giảm 78% số ca tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi các vắc xin là yếu tố gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.

Để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng phải đạt trên 95%. Tuy nhiên, ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh - địa phương vừa chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố (cuối tháng 8-2024) cho thấy, tính đến hết tháng 5-2024, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ em sinh từ năm 2019 đến 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh đều chưa đạt 95%. Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận sự bùng phát của dịch sởi, trong đó có 3 trẻ tử vong. Vì vậy, từ ngày 31-8, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi tại địa phương này đã đạt 98% theo kế hoạch.

Tại Hà Nội, để chủ động ngăn chặn bệnh sởi lây lan và bùng phát, từ ngày 14-10, thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi và tổ chức tiêm vét cho các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng đến hết ngày 15-11-2024. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, mục tiêu đặt ra của chiến dịch là trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sống, học tập trên địa bàn Thủ đô chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (MR).

Cùng với chiến dịch tiêm vắc xin, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh sởi trong thời gian tới.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-trien-khai-chien-dich-tiem-vac-xin-soi-cho-tre-chu-dong-ngan-chan-dich-benh-lay-lan-681175.html
Zalo