Hà Nội triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3

Hà Nội triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố.

Các cơ quan chức năng và cư dân ở Hà Nội dọn cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3, sáng 8/9. (Ảnh: Lê An)

Các cơ quan chức năng và cư dân ở Hà Nội dọn cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3, sáng 8/9. (Ảnh: Lê An)

Xử lý cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3

Chiều 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Văn bản số 2963/UBND-ĐT về việc triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp cùng các đơn vị quản lý duy trì cây xanh theo phân cấp. Tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy để bảo đảm an toàn giao thông, trước mắt phải thực hiện ngay trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn thành phố xong trước ngày 12/9. Sau đó, sẽ triển khai tiếp công tác xử lý thu dọn cây đỗ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi gỗ, củi theo quy định.

Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay, bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước ngày 15-9-2024.

Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy, đổ, cần thực hiện cắt cành, tán bảo đảm cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định (đối với những cây xanh đổ ra lòng đường, sau khi cắt tỉa, cần di chuyển lên hè phố, các dải phân cách để bảo đảm an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại, hoàn thành việc trồng lại các cây xanh nêu trên trước ngày 20/9). Việc thu hồi gỗ, củi đối với những cây gãy, đổ về địa điểm tập kết xong trước ngày 20/9 và thực hiện thủ tục thanh lý theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp cùng Sở Xây dựng và các đơn vị được giao quản lý, duy trì cây xanh để thống nhất vị trí đào vỉa hè trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè do UBND các quận, huyện, thị xã quản lý để bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, cảnh quan, mỹ quan đô thị; thời gian thống nhất vị trí trồng cây trước ngày 30/9.

UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến đường trong thời gian giải tỏa các cây gãy, đổ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông. Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã và chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường tập trung lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp thu dọn cành lá, cành cây, vệ sinh môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp, bảo đảm kỹ thuật và chất lượng trồng, chăm sóc (lưu ý hệ thống cột chống phải chắc chắn để bảo đảm an toàn khi có gió, bão xảy ra và không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây xanh).

Sở Xây dựng chủ động theo dõi, đôn đốc thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 20/9; trường hợp phát sinh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.

Lực lượng chức năng giải tỏa cây gãy đổ. (Ảnh: Kim Ngân)

Lực lượng chức năng giải tỏa cây gãy đổ. (Ảnh: Kim Ngân)

Công tác chỉ đạo, ứng phó bão số 3 trên địa bàn Hà Nội được đánh giá cao

Ngày 8/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, những thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với đời sống và hoạt động sản xuất là rất lớn, song dư luận ghi nhận, đánh giá cao việc chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả.

Các cấp ủy, chính quyền cùng các lực lượng chức năng, công an, quân đội, cán bộ ở cơ sở đã chủ động triển khai từ sớm các phương án phòng, chống bão số 3; kịp thời di dời người dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi có nguy cơ đổ sập; bố trí nơi tránh trú an toàn; bố trí các lực lượng ứng trực, kịp thời xử lý các sự cố phát sinh, về cơ bản thành phố bảo đảm các hoạt động, đặc biệt là an toàn cho người dân.

Trước và trong khi Hà Nội chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, nhân dân đều bình tĩnh, theo dõi, cập nhật thông tin, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống bão, nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Giáo viên Trường Mầm son Sao Sáng (Phường Kim Giang, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổng vệ sinh trường lớp sạch sẽ sau khi cơn bão số 3 đi qua. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Giáo viên Trường Mầm son Sao Sáng (Phường Kim Giang, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổng vệ sinh trường lớp sạch sẽ sau khi cơn bão số 3 đi qua. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Đáng chú ý, chiều tối 7/9, mạng xã hội lan truyền thông tin về việc cắt điện trên toàn thành phố Hà Nội để phòng, chống bão số 3 gây xôn xao dư luận. Việc Tổng công ty Điện lực Hà Nội kịp thời thông tin, phản bác, khẳng định đó là thông tin không chính xác, đã giải tỏa sự lo lắng, đáp ứng sự quan tâm của người dân.

Đặc biệt, nnhững ý kiến trao đổi với cơ quan báo chí về chỉ đạo ứng phó với bão số 3 của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhận được nhiều quan tâm, đánh giá cao trong dư luận. Trong đó, nhấn mạnh, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện khẩn trương nhằm khắc phục hậu quả cơn bão.

Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các cơ quan báo chí thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương, thành phố đến địa phương, cơ sở trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Từng bước có các giải pháp để hỗ trợ người dân khu vực ngoại thành khôi phục sản xuất nông nghiệp; chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, rau xanh…

Công tác vệ sinh trường học sau cơn bão để đón học sinh trở lại trường vào ngày 9/9. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Công tác vệ sinh trường học sau cơn bão để đón học sinh trở lại trường vào ngày 9/9. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh trở lại trường

UBND thành phố yêu cầu, Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương khắc phục thiệt hại của bão; tổng vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện tuyệt đối an toàn cho học sinh trở lại trường học.

Ngày 8/9, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà có văn bản số 2962/UBND-KGVX gửi Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3, bảo đảm các điều kiện để học sinh trở lại trường học.

Theo đó, thực hiện Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 6/9 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 năm 2024; chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, bảo đảm các điều kiện để học sinh quay trở lại trường học tập, UBND thành phố yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; thực hiện tổng vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm các điều kiện tuyệt đối an toàn cho học sinh trở lại trường học.

Nội dung văn bản cũng nêu rõ, đối với các cơ sở giáo dục chưa bảo đảm điều kiện để học sinh quay lại trường học, khẩn trương tổng hợp báo cáo gửi Sở GD&ĐT Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.

Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, UBND TP. Hà Nội giao Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc bảo đảm điều kiện an toàn tuyệt đối cho học sinh quay lại trường học, phù hợp chương trình học tập theo khung năm học 2024-2025 đúng quy định.

Sáng 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã báo cáo nhanh về công tác ứng phó bão số 3 trên địa bàn Hà Nội.

Khi cơn bão số 3 đi qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, về thiệt hại cụ thể, toàn địa bàn thành phố có khoảng 17.000 cây xanh gẫy đổ, gây ách tắc giao thông khá nghiêm trọng. Một số quận, huyện bị mất điện cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thoát nước của các trạm bơm, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thứ hai là vấn đề điện, do bị ảnh hưởng của bão đã gây mất điện cục bộ tại một số quận, huyện, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tiêu, thoát nước của các trạm bơm, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của dân.

“Chúng tôi đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt từ tối 7/9, trong hôm nay (8/9), TP. Hà Nội sẽ nỗ lực khôi phục giao thông. Ngành điện cũng đã cố gắng, cam kết trong hôm nay sẽ khắc phục toàn bộ các sự cố. Một số huyện ở phía Tây thành phố cũng bị gián đoạn viễn thông, đến nay đã khắc phục xong”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, về nông nghiệp bị thiệt hại không nghiêm trọng. Số lượng gia súc, gia cầm ảnh hưởng không lớn. Diện tích hoa màu bị ngập hơn 100 hecta do thành phố đã chủ động hạ mức nước từ ngày 6/9. TP cũng đã chỉ đạo các đơn vị có giải pháp củng cố đàn gia súc; đảm bảo rau, củ, quả cho dịp Tết sắp tới.

“Công tác phòng, chống cơn bão số 3 vừa qua, Hà Nội đã dùng hệ thống công nghệ thông tin, mạng xã hội và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông Trung ương và Hà Nội. Hà Nội đã khuyến cáo và người dân cũng khá nghiêm túc trong việc là không ra đường trong lúc mưa bão, giảm thiểu thiệt hại về người", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.

Bảo Thoa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ha-noi-trien-khai-cac-bien-phap-khac-phuc-giai-toa-cay-xanh-gay-do-sau-con-bao-so-3-285483.html
Zalo