Hà Nội tối ưu hóa hạ tầng để giảm ùn tắc

Nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, bên cạnh các giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài, thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp trước mắt.

Trong đó, thành phố chú trọng tối ưu hóa hạ tầng hiện có; tăng cường quản lý tốt nhu cầu giao thông nhằm giảm lưu lượng phương tiện tập trung cùng một thời điểm…

Tình trạng ùn tắc tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đang dần được cải thiện. Ảnh: Phạm Công

Tình trạng ùn tắc tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đang dần được cải thiện. Ảnh: Phạm Công

Nỗ lực xử lý từng điểm ùn tắc

Ngay trong những ngày đầu năm 2025, các sở, ngành, đơn vị chức năng liên quan đã rốt ráo tìm giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển. Đây là nút giao hiện đại bậc nhất Thủ đô với 4 tầng song cũng là nơi có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, vượt 3,5-5 lần lưu lượng thiết kế.

Từ ngày 18-1-2025, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao trọng yếu này. Cụ thể: Bổ sung một đảo trung tâm ngay dưới gầm cầu cạn Vành đai 3 để xóa bỏ xung đột giao thông ở khu vực giữa nút giao; hình thành 4 nút giao nhỏ có đèn tín hiệu từ 4 hướng chính lưu thông qua nút để điều tiết lưu lượng; lắp đặt 16 camera ghi hình xử phạt “nguội” nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Ngoài ra, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) còn xây dựng video clip hướng dẫn chi tiết các hướng đi, làn đi giúp người tham gia giao thông thuận lợi và giảm xung đột tại nút giao.

“Phương án tổ chức giao thông thí điểm đã được tính toán với sự hỗ trợ của thiết bị mô phỏng giao thông kết hợp khảo sát thực tế hiện trường. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, sau những ngày đầu bỡ ngỡ, người dân đã dần quen với phương án tổ chức giao thông mới. Nhờ đó, năng lực thông hành qua nút giao tăng lên đáng kể, tình hình ùn tắc tại đây dần được cải thiện”, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều tuyến đường đang được các cơ quan chức năng nỗ lực xử lý nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Triển khai ngay 4 nhóm giải pháp

“Ùn tắc ngày càng diễn biến phức tạp, kéo dài và lan rộng. Lượng phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng. Trong khi đó, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị theo quy hoạch, được trông đợi là giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc thì lại quá chậm...”, ông Nguyễn Việt Dũng (Khu đô thị Sunshine Garden, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) nhận xét.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện còn 36 điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, trong đó 8 điểm do rào chắn phục vụ thi công; 28 điểm do chậm triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch và quá tải kết cấu hạ tầng.

Trong dự thảo Đề án tổng thể giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2025-2030 vừa được trình lên UBND thành phố, đáng chú ý, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất 4 nhóm giải pháp triển khai ngay trong giai đoạn trước mắt.

Thứ nhất, có phương án khẩn cấp và cụ thể, tập trung vào việc tối ưu hóa hạ tầng giao thông hiện tại. Sở Giao thông vận tải khẩn trương rà soát toàn bộ công tác tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố để kịp thời có giải pháp điều chỉnh phù hợp như: Kiến nghị xem xét, bố trí vốn mở rộng mặt đường, xây dựng các cầu vượt nhẹ bằng thép tại các nút giao để tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông. Trong đó có 5 cầu vượt nhẹ cấp thiết phải xây dựng ngay để xóa xung đột giao thông tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Cổ Linh - Thạch Bàn; Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân; Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng; Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông. Cùng với đó, tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường, nút giao, vị trí có lưu lượng tham gia giao thông cao vào giờ cao điểm; đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai, bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ; khẩn trương tháo dỡ rào chắn, hoàn trả đường phục vụ giao thông.

Thứ hai, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó góp phần thay đổi thói quen tham gia giao thông; khuyến khích các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa hoặc thay đổi giờ làm việc. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý tốt nhu cầu giao thông. Cùng với đó, tuyên truyền người dân sử dụng các ứng dụng theo dõi lưu lượng giao thông (như Google Maps, Waze) để có thông tin về tình hình giao thông và điều chỉnh lộ trình di chuyển cho phù hợp, tránh dồn ứ lưu lượng vào cùng một khu vực trong cùng thời điểm.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý các khu vực cổng trường học, bệnh viện, cũng như những địa điểm thường xuyên tập trung mật độ giao thông cao; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm dừng đỗ trái quy định, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông.

Thứ tư, khắc phục nhanh các sự cố giao thông, ảnh hưởng của mưa bão gây ra tình trạng ngập úng cục bộ. Thành phố cần giao các đơn vị liên quan tăng cường rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông, hệ thống an toàn giao thông để hạn chế va chạm như: Điều chỉnh tốc độ khai thác, biển báo, lắp đặt bổ sung hệ thống phản quang, chiếu sáng, gờ giảm tốc…

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận định, cùng với các giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, phát triển vận tải hành khách công cộng, tăng cường ứng dụng giao thông thông minh…; 4 nhóm giải pháp trước mắt này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần tập trung triển khai nhanh, mạnh, dứt khoát với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị để từng bước giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-toi-uu-hoa-ha-tang-de-giam-un-tac-692283.html
Zalo