Hà Nội tìm cách hút khách đến với Thủ đô trong dịp Tết Ất Tỵ
Với bề dầy lịch sử, văn hóa, để hút khách đến với Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngành du lịch Hà Nội sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện, trong đó có những hoạt động xuyên Tết Nguyên đán.
Chuỗi sự kiện văn hóa du lịch hấp dẫn
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trải dài suốt 9 ngày nghỉ Tết, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô vào đêm Giao thừa, tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, vườn hoa đền Bà Kiệu, công viên Thống nhất...
Trong thời gian nghỉ Tết, tại khu di tích Nhà tù Hỏa Lò có chương trình tham quan trải nghiệm Đêm thiêng liêng với chủ đề “Sống như những đóa hoa”, “Lửa thanh xuân”; tổ chức gặp mặt nhân chứng lịch sử; các hoạt động trưng bày chuyên đề…
Tương tự nhằm phục vụ nhân dân, khách tham quan trong và ngoài nước tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hội chữ Xuân, triển lãm, trò chơi dân gian… Tại khu di tích Đền Ngọc Sơn có chương trình nghệ thuật “Ngọc Sơn đêm huyền bí”… mang đến cho du khách những cảm nhận sâu sắc về lịch sử và văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Chia sẻ về những hoạt động du lịch trong dịp Tết Ất Tỵ, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, từ nay đến hết ngày 31/1 (tức mùng 3 Tết), tại Làng Văn hóa sẽ diễn ra các hoạt động “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” với chương trình dân ca dân vũ “Đón xuân ở bản em” của các nhóm đồng bào phía Bắc, chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của các dân tộc Tây Nguyên… với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc.
Không dừng lại ở đó, từ nay đến hết ngày 16/2 (tức 19 tháng Giêng) ngành du lịch phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm liên tục tổ chức hoạt động văn hóa, trưng bày giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề "Sắc Xuân Ất Tỵ 2025" tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm.
Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, trong thời gian trước trong và sau Tết các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức chương trình "Tết Việt - Tết phố 2025" với chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Cụ thể, tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng sẽ tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, các dòng tranh dân gian.
Đặc biệt, không gian tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ được trang trí và sắp đặt thành không gian Tết cổ truyền, giúp du khách có thể trải nghiệm không khí Tết Hà Nội xưa. Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong dịp Tết Ất Tỵ là các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống được tổ chức tại nhiều địa điểm trong khu vực phố cổ Hà Nội tạo nên không khí đón Tết đầm ấm.
Tại các quận, huyện cũng chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tổ chức các lễ hội lớn vào đầu năm mới như lễ hội chùa Hương, hội Gióng đền Sóc; lễ hội Cổ Loa, lễ hội gò Đống Đa, đền Hai Bà Trưng, Tản Viên Sơn Thánh…
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngày 18/1/2025 (tức 19 tháng Chạp) tại khu vực ngã tư Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân (Tây Hồ) sẽ diễn ra Chương trình Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025 với màn trình diễn ánh sáng từ 2025 drone (thiết bị bay không người lái) góp phần tạo nên một không gian Tết sắc màu rực rỡ, sôi động và thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm.
Đảm bảo an toàn cho du khách
Theo các chuyên gia du lịch, để thu hút du khách đến với Thủ đô, bên cạnh việc tổ chức nhiều hoạt động du lịch còn đòi hỏi đảm bảo an toàn cho du khách, qua đó xây dựng hình ảnh “Hà Nội điểm đến An toàn hấp dẫn”.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, để đảm bảo an toàn cho du khách, Sở Du lịch đã có văn bản yêu cầu các khu, điểm tham quan du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ mua sắm, ăn uống… trên địa bàn Hà Nội nâng cao chất lượng phục vụ.
Đồng thời thiết lập đường dây nóng tại các khu, điểm du lịch, kịp thời cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại của khách trong phạm vi do đơn vị quản lý. Bên cạnh đó phải bảo đảm các điều kiện về công tác lưu trú, công khai niêm yết giá; bố trí đủ lương thực, thực phẩm hàng hóa và điều kiện cần thiết để phục vụ khách.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch, ngoài chuẩn bị sản phẩm hấp dẫn chủ động phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành theo đúng quy định của Luật Du lịch 2017. Nghiêm cấm việc lợi dụng các chương trình kích cầu, khuyến mại du lịch nhưng chất lượng dịch vụ kém, có hành vi trục lợi, ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch.
Đối với các đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, phương tiện thủy nội địa phải đảm bảo điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch theo quy định. Tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn, chất lượng phương tiện, người điều khiển; Thực hiện nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
“Trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát tại các điểm du lịch và cơ sở lưu trú. Thanh tra Sở Du lịch là đầu mối để tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh về các nội dung liên quan đến các hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hà Nội”-ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.
Việc ngành du lịch Thủ đô tổ chức nhiều sự kiến văn hóa, đồng thời đảm bảo an toàn cho du khách sẽ là đòn bẩy để hoàn thành mục tiêu năm 2025 đón 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2024, trong đó thu hút trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế tăng 27,3% so với năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2024,