Hà Nội tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Với phương châm 'lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ', 'cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh', cải cách hành chính, 'đồng hành cùng doanh nghiệp', thành phố Hà Nội luôn quan tâm công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Theo đó, những năm qua, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiều đề án liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, năm 2019, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025" (Đề án 4889).
Sau hơn 4 năm triển khai, Đề án 4889 đã đạt được kết quả cụ thể như tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho 180 doanh nghiệp, cá nhân, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; các khóa đào tạo cho huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo từ các cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố;
Thành phố Hà Nội cũng đã hỗ trợ cho 3 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp kinh phí nâng cấp, cải tạo không gian, mặt bằng cho khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ 21 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo 50% phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị với sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các quỹ đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, và sinh viên từ các trường Đại học trên địa bàn Thành phố;…
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những khâu đột phá được TP.Hà Nội xác định theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII.
Sau 3 năm triển khai khâu đột phá này, TP.Hà Nội nhận định, hoạt động phát triển thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Đặng Thị Hương cho biết, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (chiếm 26,32% doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước). Đến nay, đã có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực (chiếm 38,1% tổng số vườn ươm của cả nước). Có 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh (chiếm 40% cả nước).
"Thực tế này đã thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố, cũng như tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà thành phố Hà Nội đã ban hành", bà Đặng Thị Hương nhấn mạnh.
Đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực, với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể, các doanh nghiệp là trung tâm.
Trong thời gian qua, Hà Nội đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thị trường KHCN, thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, Luật Thủ đô sửa đổi mới được thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023. Hà Nội hiện đang đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KHCN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp KHCN của cả nước (chiếm 21%).
Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực. Chuyển đổi số diễn ra sôi nổi trong tất cả các đơn vị trên địa bàn.
Đại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ KH&CN cho biết, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Các cơ chế, chính sách cơ bản đã tạo lập được hành lang pháp lý, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp trong các giai đoạn nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại, đồng thời phù hợp với các nhóm doanh nghiệp có trình độ, năng lực công nghệ khác nhau.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính cũng khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và ngày càng mạnh dạn đầu tư cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp Thủ đô, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung còn được hưởng các ưu đãi đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024. Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn cần sự đồng bộ hơn nữa giữa các bộ ngành, địa phương .
Theo đó, doanh nghiệp được phân ra thành các nhóm khác nhau dựa trên mục tiêu phát triển, đó là: Nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp KH&CN và nhóm khởi nghiệp sáng tạo.
Để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau thì cần đưa ra những gói chính sách riêng làm sao để các nhóm này có thể "hấp thụ" được khi chính sách được đưa ra.
Do đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong nhiều khía cạnh, từ việc tư vấn quản lý, chuyển giao công nghệ, đến việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác. Đồng thời, một môi trường kinh doanh thuận lợi, với các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp Thủ đô, các chuyên gia đề xuất Hà Nội hỗ trợ thành lập hiệp hội đầu tư mạo hiểm để kéo nguồn vốn từ nước ngoài cho doanh nghiệp; có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm; tăng cường sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề tầm cỡ, quy mô lớn...