Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc

Ngày 30/12, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Du lịch năm 2025, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trung tâm phân phối khách du lịch lớn nhất cả nước, đầu tàu thúc đẩy phát triển du lịch của vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc cũng như cả nước. Ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động, sáng tạo xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch đêm kết hợp khai thác các yếu tố văn hóa đặc sắc, riêng có, coi đây là sản phẩm du lịch mới, chủ đạo.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát.

Đến nay, Hà Nội đã khai trương hơn 20 sản phẩm du lịch ban đêm, hình thành 7 không gian, tuyến phố đi bộ kết hợp dịch vụ, ẩm thực thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm như: Phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố đi bộ Trần Nhân Tông… Nhiều mô hình, sản phẩm du lịch đã được các địa phương trong nước học tập.

Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc hàng đầu trong khu vực, trên thế giới thu hút khách quốc tế. Hà Nội được vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng lớn, nổi bật như giải “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024” do Tổ chức World Travel Awards trao tặng; nằm trong nhóm “100 điểm đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới năm 2024” do trang nghiên cứu Euromonitor International bình chọn... Những giải thưởng, danh hiệu này đã góp phần khẳng định sự hấp dẫn, thương hiệu của Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước…

Năm 2025, ngành Du lịch Hà Nội phấn đấu thu hút trên 30 triệu lượt khách (tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024) với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 23 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành Du lịch Hà Nội sẽ nghiên cứu, đánh giá thị trường khách du lịch (nội địa và quốc tế) để xây dựng, phát triển dịch vụ, sản phẩm, cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về du lịch; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính của Sở Du lịch.

Sở Du lịch tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa đầu tư, nghiên cứu xây dựng tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng, hoàn thiện các tuyến mới hướng phía Bắc từ trung tâm thành phố. Đồng thời, nâng cấp dịch vụ tại không gian, tuyến phố đi bộ; tổ chức một số chương trình, nội dung, hình thức nhằm đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm là thế mạnh của Hà Nội như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì; xúc tiến, thu hút khách quốc tế từ thị trường trọng điểm, truyền thống.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đề nghị, thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội cần tăng cường liên kết thị trường, xây dựng các sản phẩm có phân khúc nhiều thị trường khác nhau như: Du lịch golf, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực…; gắn phát triển du lịch với công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Các chỉ tiêu đều có mức tăng trưởng cao, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra, khách du lịch tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt 27,86 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng.

Nguyễn Thắng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/ha-noi-tiep-tuc-khang-dinh-la-diem-den-du-lich-hap-dan-dac-sac-20241230140256578.htm
Zalo