Hà Nội thực hiện các giải pháp đột phá để phát triển hệ thống đường sắt đô thị

TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2045 hoàn thành 15 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với tổng chiều dài 616,9km, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến ĐSĐT tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Những cột mốc đáng nhớ của TP Hà Nội trong phát triển ĐSĐT

Sáng 17/8, tại Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng do Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng - chủ trì, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo về một số nội dung đánh giá liên quan đến phương án hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT TP Hà Nội – lĩnh vực trọng tâm phát triển của TP Hà Nội trong thời gian tới.

Theo đó, ông Dương Đức Tuấn cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống ĐSĐT Hà Nội có 10 tuyến với hơn 410 km.

Vừa qua, Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 có bổ sung phát triển thêm 5 tuyến, nâng tổng số ĐSĐT Hà Nội lên 15 tuyến với tổng số chiều dài 616,9 km.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, hệ thống ĐSĐT đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị hiện đại khác là loại hình vận tải hành khách công cộng cực kì quan trọng do vận tải khối lượng khách lớn, tốc độ cao, trở thành “xương sống” trong giao thông mỗi đô thị và liên kết vùng.

Ông Dương Đức Tuấn cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ tạo điều kiện của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị TP Hà Nội, việc triển khai thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nói chung, trong đó đặc biệt là phát triển hệ thống ĐSĐT nói riêng dù gặp nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được những kết quả ban đầu.

TP đã đưa vào vận hành Tuyến ĐSĐT số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và Tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) vào ngày 8/8/2024 được người dân Thủ đô đánh giá rất cao, đón nhận và cũng là những cột mốc đáng nhớ của TP.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi vào vận hành đoạn trên cao.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi vào vận hành đoạn trên cao.

TP Hà Nội đã chủ động, phối hợp với các địa phương lân cận thống nhất, quy mô, hướng tuyến các tuyến giao thông kết nối, đặc biệt là các tuyến ĐSĐT (cập nhật tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô), phục vụ kết nối giao thông, liên kết vùng nhằm tạo động lực, không gian phát triển đô thị và hành lang giao thông mới liên tục thông suốt giữa TP Hà Nội và các địa phương trong khu vực.

TP cũng chủ động xây dựng, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023.

Theo đó, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 410,8km (bao gồm các Tuyến đã đi vào vận hành, khai thác là Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Tuyến số 3.1 Nhổn - Cầu Giấy).

Về nhu cầu vốn, giai đoạn 2024-2030, xây dựng 96,8km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035: xây dựng 301km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,5 tỷ USD.

Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 cần khoảng 37,2 tỷ USD. Qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác của TP đến năm 2035 là khoảng 28,56 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2035 TP cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,6 tỷ USD.

Đến năm 2045, TP đầu tư xây dựng hoàn thành 5 tuyến còn lại (201km), hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác tổng thể hệ thống ĐSĐT Thủ đô(15 tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung với tổng chiều dài khoảng 616,9km. Nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng khoảng 18,252 tỷ USD.

Hiện nay, TP đang tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT bao gồm Tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), Tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai)…

6 giải pháp đột phá

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc phát triển hệ thống ĐSĐT TP Hà Nội cũng còn nhiều thách thức.

Để có thể tiệm cận mục tiêu đã được Bộ Chính trị định hướng sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023; trong đó yêu cầu “Hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035)” và việc nghiên cứu kết nối với các tỉnh lân cận thông qua các tuyến ĐSĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, TP Hà Nội sẽ tiếp tục 6 giải pháp đột phá để phát triển hệ thống ĐSĐT.

Một là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã được định hướng trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khuyến khích đầu tư nhằm thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giảm áp lực ngân sách, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án tổng thể tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô báo cáo cấp có thẩm quyền trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện.

Ba là, tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến ĐSĐT tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, ưu tiên triển khai bước các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết (Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên; Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Tuyến số 3, đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); theo đó, việc đầu tư phát triển ĐSĐT tại TP được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững và được áp dụng các quy định như HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến ĐSĐT theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; UBND TP quyết định đầu tư dự án tuyến ĐSĐT theo mô hình TOD, quyết định đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thành phần, quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Đây là cơ sở để huy động được nguồn lực phục vụ phát triển hệ thống ĐSĐT, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Bốn là, tập trung phát triển tổ hợp ga Ngọc Hồi - là ga trung tâm tích hợp đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và ĐSĐT. Đồng thời, có chính sách phù hợp để đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và từng bước chủ động việc phát triển mạng lưới ĐSĐT.

Năm là, có chiến lược riêng về mô hình TOD, xem đây là một giải pháp trọng tâm, ưu tiên để phát triển đô thị bền vững. “TOD phải được nhìn nhận trên góc độ tổng thể phát triển/tái phát triển đô thị, cấu trúc/tái cấu trúc đô thị, không chỉ nhìn nhận riêng rẽ từ góc độ lĩnh vực giao thông vận tải; quy hoạch, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực nhà ga, đề po của các tuyến ĐSĐT trong khu vực nội đô lịch sử (từ Vành đai 3 trở vào) do khu vực này cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao”, Lãnh đạo TP Hà Nội cho hay.

Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận nhằm cụ thể hóa các định hướng kết nối, thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng đối với hệ thống ĐSĐT giữa các địa phương trên cơ sở định hướng triển khai tại các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; tăng cường kết nối giữa các tuyến ĐSĐT với các trung tâm logistic, khu đô thị mới…

Phó Chủ tịch TP Hà Nội cũng nêu các kiến nghị của TP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô, trong đó có kiến nghị Thủ tướng sớm quyết định lựa chọn công nghệ để thực hiện đồng bộ trên toàn quốc; đảm bảo hệ thống ĐSĐT đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray… và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, TP trong tương lai.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-noi-thuc-hien-cac-giai-phap-dot-pha-de-phat-trien-he-thong-duong-sat-do-thi-post522211.html
Zalo