Hà Nội thu ngân sách đạt 250.120 tỷ đồng trong quý I-2025
Quý 1-2025, Hà Nội thu ngân sách trên địa bàn đạt 250.120 tỷ đồng (đạt 49,5% dự toán, tăng 69,3% so với cùng kỳ). GRDP tăng 7,35% (cùng kỳ tăng 5,44%; cao hơn kịch bản đề ra đầu năm là 7,21%).
Đây là kết quả ấn tượng được Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu báo cáo tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trước kỳ họp thứ chín, chiều 25-4.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Lê Hải
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Thực hiện nghị quyết của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, UBND thành phố đã ban hành Chương trình hành động, với 25 chỉ tiêu, 97 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 95 nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, Hà Nội đã thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền. Sau sắp xếp, UBND thành phố đã ban hành Quyết định về việc giao, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị; ban hành các quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác theo quy định để tổ chức thực hiện theo mô hình tổ chức bộ máy mới từ ngày 1-3-2025...
Với sự chỉ đạo quyết liệt, quý I-2025, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 250.120 tỷ đồng (đạt 49,5% dự toán, tăng 69,3% so với cùng kỳ). GRDP tăng 7,35%; trong đó dịch vụ tăng 8,34% - gấp 1,35 lần cùng kỳ (5,98%), cao hơn kịch bản đầu năm (8,05%); công nghiệp tăng 5,36%, xây dựng tăng 5,9% - đều cao hơn cùng kỳ.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1.415,4 triệu USD, tăng 48,2% (đạt 47,2% mục tiêu cả năm 2025). Thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân 2,75% - trong mức kiểm soát là dưới 5%. Tổng khách du lịch đạt 1,83 triệu lượt khách, tăng 18,69%; trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1.321 nghìn lượt khách, tăng 17,29%.
UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Cụ thể, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô sau hơn 1 năm khởi công đang dần hình thành, đã giải ngân 14,9% kế hoạch vốn (cập nhật đến ngày 3-4-2025).
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) đến nay đã giải ngân 50,9% kế hoạch vốn; Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đến nay đã giải ngân 14% kế hoạch vốn; Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đến nay đã giải ngân 24,6% kế hoạch vốn.
Thành phố đang đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để sớm khởi công 3 cầu qua sông Hồng: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi trong năm 2025. Với dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội, Hệ thống dẫn nước thải từ sông Tô Lịch về nhà máy để xử lý đã cơ bản hoàn thành. Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào vận hành thử nghiệm.
Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành 8/8 tiêu chí đối với tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Ngày 28-2-2025, UBND thành phố đã hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định, xét, công nhận Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Đặc biệt, công tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục đẩy mạnh. Thành phố tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi nổi, rộng khắp; trong đó hơn 800 lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, đúng quy định. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Thực hiện cơ chế “làn xanh” giải quyết thủ tục hành chính
Đáng lưu ý, thành phố đã chỉ đạo tập trung thực hiện cơ chế “làn xanh” giải quyết thủ tục hành chính, trong đó yêu cầu xử lý ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đối với 10 dự án quan trọng về xây dựng hạ tầng.
Thành phố đã thiết lập đường dây nóng, trang thông tin điện tử, hòm thư điện tử, Facebook, Zalo của đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của tổ chức, cá nhân về việc chậm trễ xử lý các hồ sơ “làn xanh" trong vòng 48 giờ sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị theo chức năng nhiệm vụ hoặc hướng dẫn, chuyển đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định.
Về giải ngân vốn đầu tư công, theo kế hoạch đầu tư công năm 2025 của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là 87.130 tỷ đồng (gấp 1,13 lần so với kế hoạch năm 2024), chiếm 10,5% tổng số vốn của cả nước được Quốc hội quyết nghị phân bổ. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 của toàn thành phố tính đến ngày 31-3-2025 là 7.925,8 tỷ đồng, đạt 9,1% kế hoạch.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hải
Thành phố cũng đánh giá tác động thay đổi chính sách thương mại của các quốc gia, xây dựng các kịch bản ứng phó với biến động thị trường, có giải pháp thích ứng phù hợp.
Đồng thời, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, trong đó có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, đột phá, cơ chế “luồng xanh”, “làn xanh” nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, giảm thiểu các bước trung gian.
Phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công
Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh và phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt ít nhất 95% kế hoạch giao, theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút đầu tư xã hội.
Thành phố sẽ thực hiện các giải pháp điều hành kế hoạch vốn phù hợp tình hình thực tiễn; tập trung tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong việc triển khai thực hiện dự án, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng.
Tập trung quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như các cầu qua sông Hồng; phấn đấu khởi công cầu Tứ Liên vào ngày 19-5-2025; khởi công cầu Trần Hưng Đạo vào ngày 10-10-2025; khởi công cầu Ngọc Hồi chào mừng Đại hội lần thứ XIV của Đảng; đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), dự án đầu tư liên vùng Đường nối từ sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) về trung tâm thành phố Hà Nội…
Cùng với đó, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024, Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách mới, đột phá về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát; khuyến khích và phát huy hiệu quả các quỹ khoa học công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; áp dụng mô hình “đầu tư công - quản lý tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”, “lãnh đạo công - quản trị tư”.