Hà Nội: thống nhất xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội
Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình tỉnh Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội.

Sân bay Gia Bình là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống các công trình quốc phòng - an ninh. Ảnh: phối cảnh sân bay Gia Bình
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thống nhất phương án tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm Thành phố Hà Nội (đoạn tuyến trên địa phận Thành phố Hà Nội) theo báo cáo, đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc.
Theo báo cáo, đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, tuyến đường trên địa bàn Hà Nội có điểm kết nối với đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Bắc Ninh vượt sông Đuống và đi theo hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, qua khu vực ga Trung Mầu và đấu nối với nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên/Vành đai 3.
Tuyến đi trùng hướng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên/Vành đai 3 và kết nối với đường dẫn cầu Tứ Liên về trung tâm Thủ đô Hà Nội tại khu vực nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên, Vành đai 3 và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Chiều dài đoạn tuyến trên địa phận Hà Nội 14km không bao gồm đoạn nhánh kết nối, trong đó: đoạn tuyến xây dựng mới khoảng 7km; đoạn tiếp theo đi trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên/Vành đai 3 khoảng 7km). Tổng chiều dài toàn tuyến (Bắc Ninh - Hà Nội) khoảng 35,5km.
Thành phố đề nghị giữ nguyên vị trí tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và ga Trung Màu ở phía Bắc tuyến đường, đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường sắt đi về phía Bắc nút giao Ninh Hiệp hiện trạng để thuận lợi trong cải tạo, thiết kế mới nút giao, với nguyên tắc bảo đảm tính kết nối thuận lợi của tuyến đường với các cầu qua sông Hồng.
Về việc roát các khu vực phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường, các dự án đầu tư đã và đang triển khai, các khu vực phát triển TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh để thống nhất, đề xuất việc lập Quy hoạch phân khu đô thị, tỷ lệ 1/2000 hai bên tuyến đường, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, UBND huyện Gia Lâm, UBND huyện Đông Anh tiếp tục rà soát các khu vực phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường, các dự án đầu tư đã và đang triển khai, các khu vực phát triển TOD, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo.
UBND TP cũng giao Sở Tài chính nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Ninh để đề xuất cơ chế, phương án đầu tư tuyến đường.
Trong đó, có thể nghiên cứu theo hướng: đoạn tuyến nằm trên địa phận địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng.
Đồng thời đề xuất lựa chọn phương án đầu tư xây dựng tuyến đường theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT của toàn tuyến. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 2 tỉnh, thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư theo nguyên tắc xây dựng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh, thành phố nào sử dụng quỹ đất 2 bên tuyến đường của tỉnh, thành phố đó.