Hà Nội: Thay đổi chính sách đột ngột, giải phóng mặt bằng đình trệ

Tại Hà Nội, nhiều dự án đang thực hiện bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do Hà Nội thay đổi chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, khiến người dân không đồng thuận.

Người dân bức xúc vì thiếu công bằng chính sách đền bù

Gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nằm trong diện phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện đường tỉnh lộ 414, đoạn từ ngã ba Vị Thủy (Sơn Tây) đến ngã tư Tản Lĩnh (Ba Vì) bức xúc khi không được hỗ trợ, đền bù khi Nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án.

Dự án tỉnh lộ 414 Sơn Tây (từ ngã ba Vị Thủy đến ngã tư Tản Lĩnh) vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: NH.

Dự án tỉnh lộ 414 Sơn Tây (từ ngã ba Vị Thủy đến ngã tư Tản Lĩnh) vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: NH.

Đơn cử gia đình bà Phùng Thị Mơ (Xuân Khanh), theo dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tháng 6/2024, gia đình bà được bồi thường đất đai; hỗ trợ với hạng mục đất đai, công trình, vật kiến trúc xây dựng không hợp pháp trên đất trồng cây lâu năm, đất hành lang giao thông không có văn bản xử lý ngăn chặn của cấp có thẩm quyền, thời điểm xây dựng trước 15/10/1993 với tổng số tiền là 58 triệu đồng.

Nhưng dự thảo mới hồi tháng 3/2025, gia đình bà chỉ được hỗ trợ đất đai với số tiền 4,9 triệu đồng, không còn hỗ trợ với các hạng mục còn lại.

Tương tự với gia đình ông Trần Công Khánh, theo dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hồi tháng 8/2024, gia đình ông được bồi thường, hỗ trợ 2 hạng mục chính là công trình, vật kiến trúc xây dựng không hợp pháp, xây dựng trước ngày 15/10/1993, không có văn bản xử lý ngăn chặn của cấp có thẩm quyền và cây trồng. Tổng số tiền dự kiến gia đình ông được nhận đền bù là 167 triệu đồng. Thế nhưng, dự thảo mới ban hành sau đó (11/2024) số tiền gia đình ông chỉ còn được bồi thường một hạng mục là đất đai, diện tích 32m2, số tiền là 714 nghìn đồng, giảm 166,2 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thoán (Xuân Khanh, Sơn Tây) cũng có đơn gửi cơ quan chức năng cho biết, gia đình anh mua nhà và có quyền sử dụng đất từ 1989 và được Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây xác nhận.

Trong quá trình sử dụng, gia đình anh Thoán đã đào đất hạ độ cao, vận chuyển, cải tạo, xây dựng bê tông đi lại, phục vụ kinh doanh. Trong quá tình xây dựng, sử dụng, gia đình anh không nhận được biên bản đình chỉ, vi phạm xây dựng vi phạm hành lang giao thông. Mới đây, gia đình anh nhận được dự thảo phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, trong đó sân bê tông 130m2 của gia đình anh không được hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Do đó, anh kiến nghị Nhà nước hỗ trợ chi phí đã đầu tư sân bê tông 130m2 nói trên...

Vướng mắc bắt đầu từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực

Anh Vương Đình Cường (phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây) cho biết, gia đình anh có 1 sân bê tông, diện tích 48m2, 2 bậc thềm cầu thang làm bằng đá Granit, 1 cây hoa sữa, 1 mái tôn làm hơn 10 năm nằm trong diện tích bị thu hồi. Anh sẵn sàng bàn giao diện tích và tài sản trên để phục vụ dự án theo quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, gia đình anh Cường không được Nhà nước hỗ trợ, đền bù số tài sản nêu trên. Trong khi đó, nhiều gia đình hàng xóm lân cận đã được đền bù. "Nhà tôi xây dựng khoảng 2010. Mới đây, gia đình tôi nhận được thông báo về việc giải phóng mặt bằng nhưng không hỗ trợ tài sản. Gia đình tôi đã làm đơn, không đồng ý như thế. Tôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ như những hộ dân bên cạnh! Thật vô lý!", anh Cường bức xúc.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, bà Lê Thị Hồng, Phó chủ tịch phường Xuân Khanh cho biết, đường tỉnh 414, từ ngã ba Vị Thủy (Sơn Tây) đến ngã tư Tản Lĩnh (Ba Vì) có chiều dài khoảng 5km. Có khoảng 800 hộ gia đình, tổ chức thuộc diện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Nhưng đến nay, trên địa bàn còn 300/800 hộ chưa thể giải phóng mặt bằng do bị vướng chính sách hỗ trợ.

Theo bà Hồng, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Hà Nội ban hành QĐ 56 về Quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội. Quyết định 56 thay cho Quyết định 10 (10/2017/QĐ-UBND) ban hành năm 2017. Hai quyết định này của Hà Nội quy định khác nhau về chính sách hỗ trợ, dẫn đến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Cụ thể, QĐ10 của Hà Nội trước đây cho phép hỗ trợ đất đai, công trình, vật kiến trúc xây dựng không hợp pháp với từng thời điểm khác nhau. Nhưng QĐ56 (56/2024) mới không cho hỗ trợ hạng mục này.

Thay đổi này của Hà Nội dẫn đến bất cập khi thực hiện dự án, khi lượng lượng hồ sơ rất lớn, nhiều nguồn gốc đất, kéo theo hạn chế về số lượng nhân lực, vật lực, trong thời gian ngắn địa phương không thể thực hiện được.

"Tôi lấy ví dụ, hai nhà hàng xóm A, B cùng thuộc đối tượng giải phóng mặt bằng để thực hiện một tuyến đường. Nhà A giải phóng trước, đã nhận được tiền hỗ trợ. Nhà B giải phóng sau nhưng không được hỗ trợ. Do đó, các hộ có sự so sánh.

Nếu như ngay từ đầu, các hộ cùng không được hưởng đền bù lại là chuyện khác, dễ đồng thuận. Nhưng khi dự án đang thực hiện, nhà được hưởng, nhà không, gây ra cho địa phương quá nhiều khó khăn, những cán bộ trực tiếp thực hiện áp lực khi người dân không hiểu lại đặt ra những nghi vấn tiêu cực", bà Hồng giãi bày.

Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án.

Trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố; tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, phân loại cụ thể thành từng nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp tháo gỡ; báo cáo kết quả, trình Chủ tịch UBND TP xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng.

Nguyễn Hùng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ha-noi-thay-doi-chinh-sach-dot-ngot-giai-phong-mat-bang-dinh-tre-192250417102338546.htm
Zalo