Hà Nội tập trung xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính trong thực thi công vụ
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, xây dựng văn hóa trong chính trị một mặt đã khẳng định được vai trò, sứ mệnh của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển, bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là 'nền tảng tinh thần', 'động lực phát triển'.
Kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Hà Nội với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, trong 70 năm xây dựng và phát triển Thủ đô (1954-2024), Đảng bộ TP. Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa, con người Việt Nam.
Văn hóa dần thấm sâu, trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, trong những năm qua, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng và xác định xây dựng, phát triển văn hóa là nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm. Các chủ trương, đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô luôn nhất quán, không ngừng hoàn thiện trong suốt tiến trình phát triển của Thủ đô, một trong những khâu trọng yếu chính là sự chuyển biến về nhận thức ngày một rõ nét về mối quan hệ lớn giữa xây dựng, phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác.
Đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đảng bộ Hà Nội xác định phát triển văn hóa phải được đặt trong tính tổng thể, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định chính trị, vì sự tiến bộ hạnh phúc của con người, có như thế sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô mới hiệu quả bền vững.
Vì vậy, theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, văn hóa dần thấm sâu, trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, trong các hoạt động của người dân Thủ đô, từng bước thực hiện nhiệm vụ gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và nhu cầu phát triển xã hội, phát triển văn hóa trong chính trị gắn chặt với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội theo hướng văn minh, thanh lịch, nghĩa tình, trách nhiệm, sáng tạo, đóng góp chung vào sự phát triển của Thủ đô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân Thủ đô.
Nâng cao văn hóa công vụ
Đối với nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, để đưa văn hóa thẩm thấu vào trong các hoạt động chính trị, trong tinh thần, trách nhiệm, thái độ, cung cách ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khi thực hành công vụ Đảng bộ Hà Nội đã xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở.
"Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" trở thành nhận thức, chủ trương, chính sách, hành động của mọi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhận thức và hành động của mỗi người trong hoạt động thực tiễn ở mọi lĩnh vực.
Đảng bộ Hà Nội đã thường xuyên chăm lo xây dựng văn hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở.
Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; các địa phương, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với việc sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ.
Điểm nổi bật trong xây dựng văn hóa chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ này là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 08/7/2024 về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội" với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Thành phố đã tập trung nâng cao văn hóa công vụ, nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc chấp hành cương, kỷ luật công vụ trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch hiệu quả trong hoạt động thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Thành phố đã tập trung xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính trong thực thi công vụ, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc tự soi, tự sửa, liên hệ bản thân với nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa để kịp thời có giải pháp khắc phục.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc Hà Nội ban hành Quyết định về quy định đánh giá xếp loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị gắn với việc thực hiện hai quy tắc ứng xử Thành phố đã đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác đánh giá cán bộ của thành phố đang ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, tạo động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, xây dựng văn hóa trong chính trị một mặt đã khẳng định được vai trò, sứ mệnh của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển, bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển".
Việc nhận diện bản chất của những mối quan hệ này góp phần giúp Đảng bộ Hà Nội tiếp tục nhất quán quan điểm về phát triển văn hóa, khẳng định vị trí của văn hóa đối với tiến trình vận động, phát triển của lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội và sự ổn định, trong sạch, vững mạnh.