Hà Nội tập trung ứng phó bão số 3, mưa lũ, ngập lụt
Ảnh hưởng bão số 3, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, gió mạnh từ ngày 7-9. Để giảm thiệt hại, thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (3-9), Hà Nội có mưa rào và dông vài nơi, thời tiết mát, nhiệt độ dao động 26-29 độ C. Trưa và chiều mai (4-9), Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 34-36 độ C.
Trạng thái thời tiết nêu trên tại Hà Nội có khả năng kéo dài đến ngày 6-9. Do ảnh hưởng của bão số 3 nên từ ngày 7-9, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, gió mạnh, gia tăng nguy cơ gãy đổ cây xanh, úng ngập, sạt lở đất...
Cập nhật diễn biến bão số 3, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 16h chiều nay, bão đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Dự báo đến 16h chiều mai (4-9), bão số 3 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 700km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Sau thời gian trên, cường độ bão liên tục tăng. Đến 16h ngày 6-9, bão số 3 cách đảo Hải Nam khoảng 390km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17...
Thực hiện lệnh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều nay, Công ty Thủy điện Tuyên Quang đã mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang. Do vậy, mực nước các sông: Hồng, Đuống đang lên.
Để bảo đảm an toàn vùng hạ du, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công..., bảo đảm an toàn về người, tài sản.
Cùng với nhiệm vụ trên, các quận, huyện, thị xã và sở, ban, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão số 3; trong đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất để kịp thời thông tin cảnh báo người dân; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu...