Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân sau cơn bão số 3

Ngày 8/9, sau khi bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô tập trung đánh giá, khắc phục hậu quả thiên tai, huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Tại quận Cầu Giấy

Quận ủy đã chỉ đạo UBND quận, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) quận, các phòng, ban, đơn vị liên quan, Đảng ủy, UBND các phường chủ động, nghiêm túc triển khai tốt, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng “4 tại chỗ”.

Các lực lượng, đơn vị chuyên ngành: Ban Chỉ huy Quân sự quận; Công an quận; Cây xanh, Điện lực, Thoát nước, Chiếu sáng, Môi trường… đã bố trí lực lượng ứng trực, phối hợp hiệu quả, xử lý nhanh sự cố đảm bảo an toàn. Các lực lượng đã phối hợp, xử lý kịp thời các cây xanh đổ gãy; đồng thời công tác vệ sinh môi trường được triển khai, đảm bảo khắc phục sự cố xảy ra trên địa bàn quận.

Lực lượng chức năng trên địa bàn quận Cầu Giấy xử lý, khắc phục tình trạng cây gãy đổ.

Lực lượng chức năng trên địa bàn quận Cầu Giấy xử lý, khắc phục tình trạng cây gãy đổ.

Tại quận Nam Từ Liêm

Ban Chỉ đạo phòng chống bão của UBND phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm huy động các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Người dân sinh sống ở các tổ dân phố kiểm tra, thu dọn cành cây gẫy, vật liệu công trình rơi bảo đảm giao thông thông thoáng.

Ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngõ 76 phường Trung Văn bị ngập.

Ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngõ 76 phường Trung Văn bị ngập.

Ông Đào Nguyên - Tổ trưởng Tổ dân phố 16, phường Trung Văn cho biết, sau cơn bão số 3, hội viên các chi hội và nhân dân đã khẩn trương thu dọn, vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, ngõ trong địa bàn. Tập trung thu dọn cành cây, vật liệu công trình rơi vãi gọn vào nơi quy định. Sau đó các bộ phận chuyên môn của phường sẽ lần lượt chuyên chở về nơi tập kết, bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng.

Sáng sớm ngày 8/9, người dân trên địa bàn phường tích cực dọn dẹp vệ sinh sau mưa bão.

Sáng sớm ngày 8/9, người dân trên địa bàn phường tích cực dọn dẹp vệ sinh sau mưa bão.

Tại quận Hai Bà Trưng

UBND quận đã yêu cầu các phòng, ngành, đơn vị cùng UBND các phường khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão gây ra, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống tiêu, thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống tiêu, thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng.

Theo đánh giá chung, các phòng, ban, đoàn thể, UBND các phường đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận, triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, ứng trực 100% quân số trực 24/24h theo quy định, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, triển khai các phương án, kế hoạch để ứng phó kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản của Nhà nước và nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội và giao thông trên địa bàn quận ổn định thông suốt.

Mái tôn tại nhiều khu vực bị tốc mái.

Mái tôn tại nhiều khu vực bị tốc mái.

Tại quận Bắc Từ Liêm

Ghi nhận tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, mặc dù không ghi nhận tình trạng ngập úng nghiêm trọng, nhưng khu vực này cũng chịu ảnh hưởng đáng kể từ cơn bão số 3, chủ yếu là do số lượng lớn cây xanh bị đổ. Trước tình hình này, lãnh đạo phường đã có phản ứng nhanh chóng và hiệu quả.

Cây muỗm cổ thụ tại Đình làng Đức Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm bị đổ do bão số 3.

Cây muỗm cổ thụ tại Đình làng Đức Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm bị đổ do bão số 3.

Lãnh đạo phường đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường để đánh giá mức độ thiệt hại và xác định các khu vực cần ưu tiên xử lý. Ngay sau đó, huy động lực lượng dân quân và nhân dân tham gia công tác khắc phục hậu quả. Các đội dân quân đã nhanh chóng triển khai công việc cắt tỉa và di chuyển cây gãy đổ trên các tuyến đường.

Lãnh đạo phường Phúc Diễn đã trực tiếp đi kiểm tra và huy động lực lượng dân quân nhanh chóng cắt tỉa, di chuyển cây gãy đổ, nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt cho người dân.

Lãnh đạo phường Phúc Diễn đã trực tiếp đi kiểm tra và huy động lực lượng dân quân nhanh chóng cắt tỉa, di chuyển cây gãy đổ, nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt cho người dân.

Mục tiêu nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển an toàn. Hành động kịp thời này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn do cây đổ gây ra, mà còn góp phần quan trọng trong việc nhanh chóng khôi phục nhịp sống bình thường cho người dân sau cơn bão.

Người dân dọn dẹp, tổng vệ sinh, khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Người dân dọn dẹp, tổng vệ sinh, khắc phục hậu quả sau cơn bão.

Tại huyện Ba Vì

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều cây cối trên địa bàn và hoa màu đã bị ảnh hưởng. Hiện các lực lượng chức năng của huyện đang khẩn trương khắc phục sự cố, nỗ lực cao nhất ổn định cuộc sống nhân dân.

Lãnh đạo địa phương kiểm tra thực tế tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão.

Lãnh đạo địa phương kiểm tra thực tế tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão.

Lực lượng chức năng xử lý tình trạng cây gãy đổ.

Lực lượng chức năng xử lý tình trạng cây gãy đổ.

Tại huyện Thanh Trì

Trên địa bàn đã bị gãy đổ 3.597 cây xanh. Lực lượng chức năng đã khắc phục được 1.030 cây; đang tiếp tục huy động lực lượng để xử lý đảm bảo giao thông cho nhân dân. Nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi tại khu sản xuất bị tốc mái 96 công trình; 5 công trình trường học, chợ bị tốc mái. Thiệt hại sản xuất nông nghiệp với 527ha lúa bị đổ ngập.

Cây gãy đổ được xử lý kịp thời.

Cây gãy đổ được xử lý kịp thời.

Toàn huyện có 3 điểm ngập úng là các khu dân cư Triều Khúc; Tân Triều mới; đường Sông Hòa Bình. Đến nay đã khắc phục xong điểm ngập thôn Triều Khúc. Trên địa bàn huyện có 19 lộ, nhánh đường dây trung thế bị mất điện; gãy đổ 16 cột điện. EVN Thanh Trì đã khắc phục hoàn toàn được 15 lộ đường dây và nhánh. Hiện đang còn mất điện một phần xã Yên Mỹ, Tam Hiệp, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Thanh Liệt và một số hộ khách hàng nhỏ lẻ. Công ty vẫn đang tiếp tục khắc phục để cấp lại điện cho người dân.

Tại quận Hoàng Mai:

Theo thống kê của quận Hoàng Mai, tính đến 24h ngày 7/9, bão số 3 đã làm đổ trên 1.000 cây xanh, 77 biển quảng cáo bay văng, 9 ô tô bị hư hỏng do cây đổ và làm tốc mái tôn trên 30 nhà dân, di tích, cơ quan, trường học trên địa bàn quận, nhất là tại phường Hoàng Liệt và Định Công.

Phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) huy động cả hệ thống chính trị, đảng viên, các hội đoàn thể, chi bộ, tổ dân phố, nhân dân trên địa bàn ra quân đồng loạt từ 5h sáng để khắc phục hậu quả mưa bão. Thu dọn cây đổ, gãy bảo đảm lưu thông; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân.

Phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) huy động cả hệ thống chính trị, đảng viên, các hội đoàn thể, chi bộ, tổ dân phố, nhân dân trên địa bàn ra quân đồng loạt từ 5h sáng để khắc phục hậu quả mưa bão. Thu dọn cây đổ, gãy bảo đảm lưu thông; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân.

Ngay trong đêm 7/9, sau khi bão số 3 suy yếu, lãnh đạo quận Hoàng Mai đã tiếp tục trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, động viên các lực lượng chức năng của quận và 14 phường nhanh chóng tổ chức khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh trực tiếp đi chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh trực tiếp đi chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Trong đó tập trung hỗ trợ kịp thời các hộ dân gặp sự cố và tổ chức thu dọn cây xanh bị đổ, xử lý các điểm úng ngập để sớm đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn toàn quận trước 6h sáng 8/9, trọng điểm là các tuyến đường Đỗ Mười, Vành đai 3, Giải Phóng, Tam Trinh, đường 2,5, đường Lĩnh Nam, tuyến đường phía Đông và Khu trung tâm hành chính Quận; các đường giao thông chính quan trọng, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp trên địa bàn 14 phường thuộc quận.

Cây xanh gãy đỗ được xử lý kịp thời.

Cây xanh gãy đỗ được xử lý kịp thời.

Tại quận Thanh Xuân

Ảnh hưởng của bão, trên địa bàn có 370 cây bị gẫy đổ, 6 trạm biến áp bị chập điện, đứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả sau bão, Ban Thường vụ Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận đã ban hành 3 văn bản về công tác chỉ đạo, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận, các phường chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh và triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống bão và khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lãnh đạo địa phương trực tiếp có mặt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão để chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Lãnh đạo địa phương trực tiếp có mặt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão để chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Tại thị xã Sơn Tây

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị xã Sơn Tây cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, đến 5h sáng ngày 8/9 tổng lượng mưa đo được trên hồ Đồng Mô 135mm. Mực nước sông Hồng đo lúc 18h ngày 7/9 là 5,35m/12,4m; trên sông Tích (tại Văn Miếu) là 8,26m/6,8m (Báo động 1 đo tại Kim Quan); tại hồ Đồng Mô là 21,4m/21,5m; Hồ Đồng Mô mở 2 cửa xả đáy lưu lượng khoảng 13m3/s; tại hồ Xuân Khanh là 19,95m/19,3m. Hiện nay, nước từ trên thượng nguồn dồn xuống rất nhanh khiến mực nước sông Hang lên cao rất nhanh, đã tràn bờ tại đập Vai Cời gây ngập tuyến đường vào Học viện Phòng không không quân từ 20 - 40cm.

Cây xanh gãy đổ trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Cây xanh gãy đổ trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Sự cố cây xanh gãy đổ do bão số 3 lũy kế đến 2h ngày 8/9 là 424 cây; xảy ra 36 vụ sự cố trên 12 lộ đường dây. Sự cố làm đổ 4 cột điện trung áp, 8 cột điện hạ áp, hư hỏng 2 máy biến áp và 2 vị trí hỏng thiết bị trên đường dây. 2 dây viễn thông bị đứt; xảy ra tốc mái 6 vụ (150m2), 1 chuồng bò bị sập mái do cây đổ đè vào; Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm bị tốc bay vỡ một số hàng ngói trên tầng 3, bay rơi nhiều tấm trần nhà đa năng, đổ vỡ 1 số biển bảng; 3 ngôi nhà mái tôn bị đổ sập do cây đổ. Đáng chú ý, hiện 27 ha lúa bị ngập, 262,5 ha lúa bị gãy đổ; cây màu, cây rau, cây khác bị ngập 1,6ha gãy đổ 15,9 ha.

Tại quận Hoàn Kiếm

Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn quận có 22 cây xanh bị gẫy cành lớn, 286 cây xanh đổ, gẫy, 3 người bị thương nhẹ. Ngoài ra có 2 tủ điện bị bẹp, 2 mái tôn bị tốc, 3 cột đèn chiếu sáng, 2 cột điện bị đổ, 1 ô tô con bị cây đổ bẹp nóc... Lực lượng tại chỗ của UBND các phường, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an quận đang phối hợp với Công ty Công viên cây xanh xử lý, giải tỏa, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông.

Quận Hoàn Kiếm nhanh chóng khắc phục sự cố cây đổ.

Quận Hoàn Kiếm nhanh chóng khắc phục sự cố cây đổ.

UBND các phường và Công ty thoát nước Hà Nội (XN số 1) cũng đã trực và xử lý các điểm thoát nước ngay tại thời điểm mưa lớn, phối hợp phân luồng đảm bảo An toàn giao thông.

Đặc biệt quận đã vận động sơ tán 707 người (trong đó 88 người sơ tán về trường học, điểm an toàn và 620 người sơ tán về nhà người thân, quen).

Toàn quận đã huy động tổng lực gần 2.500 người, gồm 18 đội xung kích cấp phường, Dân quân cơ động; Lực lượng Công an quận và 18 phường, Ban chỉ huy quân sự quận; Cùng các lực lượng chuyên ngành khác như: Cây xanh, Điện, Thoát nước, Chiếu sáng, Vệ sinh môi trường tham gia công tác phòng chống và khắc phục sự cố do bão.

Công tác di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm được tập trung kiên quyết thực hiện đảm bảo an toàn. Hiện quận đã giải tỏa được 2/3 số cây đổ, tập trung giải tỏa trước các cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, và giải phóng các trục đường chính đảm bảo giao thông. Các cột đèn chiếu sáng, giao thông đã được khắc phục ngay. Đảm bảo an toàn về điện.

Tại quận Đống Đa

Quận ủy, UBND quận, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận đã chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận và UBND 21 phường rà soát phương án, lực lượng, trang thiết bị và tổ chức phân công nhiệm vụ trực bão để kịp thời ứng phó thời tiết nguy hiểm dông, mưa lớn bất thường. Phân công lịch trực chỉ huy của lãnh đạo quận.

Quận Đống Đa khắc phục sự cố ngay trong đêm.

Quận Đống Đa khắc phục sự cố ngay trong đêm.

Quận thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác tuyên truyền, thông báo tới các tổ dân phố, tổ chức, nhân dân trên địa bàn, các nhà thuộc diện nguy hiểm, các công trình đang xây dựng và kiểm tra việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, phương tiện dụng cụ, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách đối với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của 21 phường.

UBND 21 phường và các đơn vị phòng ban, phối quản của quận đều đã xây dựng kế hoạch và phương án, phân công nhiệm vụ để kịp thời ứng phó với tình hình, diễn biến thực tế của cơn bão số 3.

Sau bão trên địa bàn quận nhiều cây xanh to bị gãy đổ, bật gốc đè lên hệ thống đường dây điện làm chập điện, mất điện trong khoảng thời gian ngắn... Tổng số 343 sự cố, quận đã khắc phục 170 sự cố, còn lại 173 đang tiếp tục khắc phục. UBND Quận đã chỉ đạo các phường tổ chức di chuyển 110 hộ/367 nhân khẩu tại các nhà xuống cấp, nguy hiểm đến vị trí an toàn, cấp phát đầy đủ trang thiết bị và nhu yếu phẩm.

Tại quận Long Biên

Theo báo cáo nhanh của quận, tính đến 5h00 ngày 8/9, trên địa bàn quận còn úng ngập tại các vị trí liên quan đến trục thoát nước mương Nam Quốc lộ 5, sông Cầu Bây như: Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều, ngõ 68 Nguyễn Văn Linh, ngõ 80 Hoa Lâm… do mực nước sông Cầu Bây cao. Để giảm thiểu mức độ úng ngập, các lực lượng của Xí nghiệp thoát nước đã triển khai công tác tua rác miệng thu; vận hành tối đa các trạm bơm để hạ mực nước trên hệ thống.

Theo báo cáo nhanh của 14 phường trên địa bàn, ghi nhận sau bão đã có hơn 900 cây xanh bị gãy đổ, hiện đang được các lực lượng chức năng, phối hợp với người dân trên địa bàn dọn dẹp, xử lý.

Các lực lượng phối hợp với người dân địa phương dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 tại Tổ dân phố số 15 phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: B.D.

Các lực lượng phối hợp với người dân địa phương dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 tại Tổ dân phố số 15 phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: B.D.

Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, quận Long Biên cũng đã thực hiện di dời đối với những hộ dân không an toàn, trong đó: Phường Cự Khối (di dời 1 nhà trọ bị tốc mái, UBND phường đã bố trí nơi ở tạm tại Nhà văn hóa tổ 4); phường Đức Giang (di dời 3 hộ tại tổ 7, 3 hộ tại tổ 12 và 2 hộ tại tổ 14); phường Phúc Đồng (di dời 1 hộ sống đơn thân tại tổ 5); phường Gia Thụy di chuyển 33 người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn toàn Thành phố đã xảy ra 194 sự cố về đường bộ. Tập trung chủ yếu các sự cố về cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, biển báo gẫy đổ, xô lệch trụ mũi tên phản quang, ổ gà, hố sụt, ngập nước... Đối với các sự cố gây mất an toàn giao thông, để đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thống hạ tầng giao thông, Ban Duy tu đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông cho khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.

Lực lượng chức năng xử lý tình trạng cây gãy đổ, phân luồng giao thông.

Lực lượng chức năng xử lý tình trạng cây gãy đổ, phân luồng giao thông.

Đến 8h ngày 8/9, một số phương tiện không xuất bến trong ngày 7/9 đã xuất bến: Bến xe Giáp Bát: 23 lượt xe, 66 khách; Bến xe Mỹ Đình: 22 lượt xe (50% so với ngày thường), 122 khách; Bến xe Nước Ngầm: 12 lượt xe; 125 hành khách; Bến xe Yên Nghĩa: 3 xe; Bến xe Sơn Tây: 4 xe.

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân tham gia giao thông tại các khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3

Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân tham gia giao thông tại các khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3

Sở GTVT đã yêu cầu các bến xe thường xuyên thông tin trên hệ thống phát thanh của bến về tình hình cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nguy cơ ngập úng, sạt lở đất để chủ phương tiện, lái xe được biết và yêu cầu chủ phương tiện, lái xe tuyệt đối chấp hành của các lực lượng chức năng trên đường.

Nhóm P.V

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-on-dinh-doi-song-nhan-dan-sau-con-bao-so-3-176800.html
Zalo