Hà Nội: tập trung đẩy nhanh tiến độ cải tạo hồi sinh sông Tô Lịch
Hành trình trả lại dòng sông trong sạch cho Hà Nội đang bước vào giai đoạn quyết liệt với hàng loạt dự án trọng điểm. Từ nạo vét bùn đất, bổ cập nước sạch đến xây dựng hệ thống thu gom nước thải, những nỗ lực không ngừng nghỉ đang thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng cho sông Tô Lịch.

Công tác nạo vét bùn thải trên sông Tô Lịch đang được tiến hành khẩn trương.
Triển khai đồng bộ các hạng mục cải tạo
Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Hà Nội chính thức khởi động kế hoạch hồi sinh sông Tô Lịch bằng các giải pháp căn cơ, trong đó nổi bật là việc nạo vét bùn, thu gom nước thải và bổ cập nước sạch.
Một trong những hạng mục quan trọng của dự án cải tạo sông Tô Lịch là nạo vét bùn đất, loại bỏ nguồn ô nhiễm tích tụ dưới đáy sông. Giai đoạn đầu tiên được triển khai từ đoạn sông dài 5 km, kéo dài từ đường Hoàng Quốc Việt đến Ngã Tư Sở.
Hiện nay, khoảng 40.000 tấn bùn đất sẽ được nạo vét tại khu vực này. Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, công việc này được UBND TP giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội và yêu cầu phải hoàn thành giai đoạn một trước tháng 4/2025. Hiện tại, đơn vị này đã huy động 100% cán bộ, máy móc, chia ca làm việc 24/24 và bổ sung thêm lực lượng từ các đơn vị bạn để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Song song với công tác nạo vét, TP cũng đẩy nhanh tiến độ thu gom triệt để nước thải từ 26 họng xả còn sót lại chưa qua xử lý. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống cải tạo, nhằm đảm bảo khi bổ cập nước sạch vào, không còn nguồn ô nhiễm trực tiếp đổ ra sông.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát nguồn thải: “Hà Nội đã có rất nhiều giải pháp cải tạo sông Tô Lịch. Nhưng song song với dẫn nước vào thì vẫn phải thu gom triệt để nguồn nước thải ra sông mới đảm bảo được chất lượng của nước sông”.

Công ty Thoát nước Hà Nội huy động nhân lực và phương tiện, tập trung cho công tác nạo vét bùn đất ở sông Tô Lịch.
Để khôi phục dòng chảy tự nhiên và cải thiện chất lượng nước, TP Hà Nội đã công bố phương án bổ cập nước từ Hồ Tây và sông Hồng. Cụ thể, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ lấy nước từ Hồ Tây thông qua cửa điều tiết Hồ Tây A và Cống Đõ Mương Thụy Khuê, với thời hạn hoàn thành vào tháng 8/2025. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, nhằm đảm bảo nguồn nước bổ sung ổn định và lâu dài.
Một hạng mục hạ tầng quan trọng khác là việc xây dựng đập dâng tại khu vực gần cầu Quang (Thanh Trì), nhằm giữ ổn định mực nước trên sông trong mùa khô. Theo phân tích của các chuyên gia, khi nước thải đã được dẫn về nhà máy xử lý thì nguồn ô nhiễm còn lại trên sông sẽ rất ít. Đập dâng giữ nước này có ý nghĩa quan trọng, vì nó giúp duy trì mực nước vào mùa khô, đồng thời hỗ trợ phối hợp với đập Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở để phục vụ thoát nước cho TP trong mùa mưa, đặc biệt là công tác thoát lũ cho sông Nhuệ.
Các chuyên gia đánh giá đây là giải pháp đa mục tiêu, không chỉ góp phần hồi sinh sông Tô Lịch mà còn tăng cường khả năng quản lý lũ lụt cho khu vực nội đô. Tuy nhiên, để đập dâng hoạt động hiệu quả, nước thải chảy vào sông cần được xử lý triệt để trước. Nếu không, đập dâng có thể vô tình giữ lại chất ô nhiễm, làm tình trạng tồi tệ hơn.

Cùng với việc nạo vét, công tác chỉnh trang hai bờ sông cũng được tiến hành đồng bộ.
Thách thức và kỳ vọng
Dù đạt được nhiều tiến triển, hành trình hồi sinh sông Tô Lịch vẫn đối mặt với không ít thách thức. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân vẫn là vấn đề nan giải. Tình trạng xả rác và nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống sông vẫn diễn ra, bất chấp các nỗ lực của chính quyền. Anh Lê Minh Tuấn - một người dân sống tại quận Đống Đa, thẳng thắn: “Chính quyền làm tốt, nhưng nếu người dân không thay đổi thói quen, sông vẫn bẩn thôi. Vì vậy, tất cả mọi người cần phải cùng chung tay”.
Ông Nguyễn Văn Thành - một người dân sống gần sông Tô Lịch, chia sẻ: "Chúng tôi rất mong muốn sông Tô Lịch được sạch sẽ trở lại. Nhưng chỉ riêng việc nạo vét, bổ cập nước thôi thì chưa đủ. Quan trọng là phải ngăn chặn được việc xả rác, xả nước thải xuống sông. Chính quyền cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý những trường hợp vi phạm”.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Văn Hiển – cán bộ hưu trí tại quận Thanh Xuân nhận định: “Tôi rất đồng tình với việc dẫn nước từ Hồ Tây và sông Hồng vào Tô Lịch. Nhưng nếu không có giải pháp xử lý triệt để nước thải thì dù có đổ bao nhiêu nước sạch đi nữa, sau vài năm đâu lại vào đấy. TP cần làm chặt chẽ và giám sát minh bạch”.
Ngoài ra, việc duy trì chất lượng nước sau cải tạo cũng là bài toán dài hạn. Các chuyên gia đều nhấn mạnh, sau khi các dự án hoàn thành, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ dòng sông. Nếu không, mọi công sức có thể đổ sông đổ biển. Đây là lời cảnh báo mà Hà Nội cần lưu tâm để đảm bảo thành quả bền vững.

Diện mạo sông Tô Lịch đang thay đổi từng ngày.
Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc cải tạo sông ngòi cũng là một yếu tố quan trọng. Nhiều TP trên thế giới đã thành công trong việc “hồi sinh” những dòng sông ô nhiễm, điển hình như sông Thames ở London (Anh), sông Cheonggyecheon ở Seoul (Hàn Quốc). Những bài học kinh nghiệm quý báu từ các mô hình thành công này sẽ giúp Hà Nội định hướng đúng đắn và triển khai hiệu quả các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch.
Dự án hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là một công trình cải tạo môi trường mà còn là biểu tượng cho quyết tâm chuyển mình xanh hóa của Hà Nội. Việc đầu tư bài bản, triển khai đồng bộ từ thu gom nước thải, bổ cập nước sạch đến xây dựng đập điều tiết là những bước đi rõ ràng, có tầm nhìn lâu dài.
Từ nay đến tháng 8/2025, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật, đồng thời tiếp thu ý kiến chuyên gia, người dân để điều chỉnh giải pháp phù hợp thực tiễn. Nếu thành công, sông Tô Lịch không chỉ được hồi sinh, mà còn có thể trở thành không gian công cộng xanh, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và làm đẹp thêm diện mạo đô thị.