Hà Nội: tập huấn phương pháp dạy học theo định hướng đề thi lớp 10
Năm học 2024 – 2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các cấp học; trong đó, học sinh khối 9 sẽ là lứa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi lớp 10 theo chương trình mới. Hiện, 100% đơn vị đã hoàn thành tập huấn cho giáo viên lớp 9.
Đẩy mạnh tập huấn chuyên môn
Để giáo viên vững vàng kiến thức; tự tin với phương pháp dạy học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng phòng GD&ĐT các đơn vị đã và đang triển khai tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tại các nhà trường. Đây là cơ hội quý để thầy cô cùng trao đổi, chia sẻ, nâng cao năng lực thực hiện tốt các giờ dạy cho học sinh.
Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết, năm học này, địa bàn huyện có 20 trường THCS với gần 19.000 học sinh; trong đó có gần 4.000 học sinh lớp 9. Trong buổi tập huấn diễn ra mới đây tại trường THCS Trưng Vương (Mê Linh), hơn 800 cán bộ giáo viên cốt cán của các trường THCS trên địa bàn huyện đã được chia sẻ những nội dung cốt lõi trong triển khai kế hoạch năm học 2024 - 2025; bao gồm phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là với học sinh lớp 9.
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngữ văn là môn học thay đổi nhiều nhất khi ngữ liệu quen thuộc trong sách giáo khoa sẽ không xuất hiện trong đề kiểm tra đánh giá cũng như đề thi. Nhằm giúp giáo viên dạy ngữ văn lớp 9 nhuần nhuyễn với phương pháp, định hướng dạy học ngữ văn, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm vừa tổ chức hội nghị tập huấn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngữ văn lớp 9.
Tại buổi sinh hoạt này, cô giáo Lê Thị Thúy Lan – giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên, đại diện giáo viên ngữ văn tại các trường THCS thuộc quận Hoàn Kiếm đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học môn ngữ văn lớp 9 và những vấn đề còn băn khoăn của các thầy cô trong quá trình thực hiện chương trình.
Hầu hết những thắc mắc liên quan đều được chuyên gia giải đáp, định hướng rõ ràng trong việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh; góp phần nâng cao chất lượng dạy học của các nhà trường; đồng thời là kênh thông tin quan trọng để chia sẻ với phụ huynh học sinh.
Gắn định hướng giảng dạy với cấu trúc đề thi lớp 10
Trước khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi thông báo đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Theo các thầy, cô giáo, việc sớm ban hành cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 giúp nhà trường có định hướng rõ và cụ thể để triển khai kế hoạch giảng dạy, ôn tập, đặc biệt là trong việc xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá bám sát chương trình học.
Tại các buổi tập huấn, phần lớn nội dung chuyên đề tập trung hướng dẫn giáo viên dạy lớp 9 thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn để chuẩn bị tốt nhất kiến thức cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi lớp 10.
Căn cứ cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi lớp 10, các trường THCS trên địa bàn TP sẽ tổ chức cho học sinh làm quen với định hướng kiểm tra, đánh giá của chương trình mới.
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, việc kịp thời ban hành cấu trúc định dạng đề thi lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội được dư luận, giáo viên, học sinh rất quan tâm. Với khoảng 5.000 học sinh dự thi lớp 10 năm hoc 2024 – 2025, quận Cầu Giấy nhanh chóng triển khai đến 100% nhà trường trên địa bàn quận về tập huấn giáo viên lớp 9, phân công chuyên viên đồng hành cùng nhà trường tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai các nội dung cần thiết.
“Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết; giúp học sinh làm quen với định dạng đề thi ngay từ đầu năm học, để học và ôn tập hiệu quả; từ đó kết quả kỳ thi lớp 10 sẽ được nâng lên..." - cô Đào Thị Hoa, giáo viên Trường THCS Cam Thượng, huyện Ba Vì cho biết.
Để thực hiện tốt công tác dạy học và ôn tập cho học sinh lớp 9 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích các Phòng GD&ĐT, nhà trường xây dựng đề minh họa dùng chung và chia sẻ cho nhau trong quá trình ôn tập, kiểm tra, đánh giá. Đề minh họa có thể xây dựng theo lộ trình năm học hoặc chia nhỏ từng giai đoạn ngắn (theo từng tháng hoặc từng học kỳ), bảo đảm bám sát các nội dung cơ bản của từng môn học.