Hà Nội: Tạo 'đòn bẩy' để du lịch ngoại thành phát triển
Để du lịch ngoại thành thực sự là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Hà Nội, các địa phương cần xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo sự liên kết chặt chẽ, biến tiềm năng thành 'đòn bẩy' thu hút du khách trong và ngoài nước.
Xây dựng thêm nhiều tuyến du lịch mới
Năm 2024, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với năm 2023. Do đó, Sở Du lịch thành phố ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa, đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức…
Hà Nội có 18 huyện, thị xã và đều có những tiềm năng, lợi thế riêng cho khai thác du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thành phố có những điểm đến tiêu biểu như: Thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây); đền thờ Nguyễn Trãi (Thường Tín), làng cổ Cự Đà, Ước Lễ (Thanh Oai)... Huyện Mỹ Đức vốn có quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan.
Nhiều di tích ở ngoại thành có giá trị đều nằm cùng trên trục giao thông chính của thành phố. Dọc Đại lộ Thăng Long có chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất) đều là những Di tích Quốc gia đặc biệt. Trục đường 32 có đình Đại Phùng (Đan Phượng), đền Hát Môn (Phúc Thọ) và các di tích trên địa bàn Sơn Tây…
Dù có thế mạnh trong phát triển du lịch nhưng hiện các huyện ngoại thành của Thủ đô vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có, vậy nên lượng khách đến với nơi đây chưa đạt như kỳ vọng. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, hầu hết các huyện ngoại thành chưa xác định được đối tượng khách cần thu hút nên chưa có quy hoạch sản phẩm, chiến lược phát triển rõ ràng. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, hoạt động xúc tiến chưa mang tính chuyên nghiệp khiến lượng khách đến các huyện ngoại thành chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các huyện ngoại thành xây dựng hai tuyến du lịch mới “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long” gồm tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Các tuyến du lịch mới này sẽ là mô hình nhân rộng tới tất cả các huyện ngoại thành.
Điểm nhấn của tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên là làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên). Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp. Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, du khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc. Làng Phúc Am là làng nghề mã nổi tiếng. Làng Cựu cổ nổi tiếng với hàng chục ngôi nhà cổ, kiến trúc châu Âu giữa làng quê mộc mạc, thanh bình.
Trong khi đó, tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức có điểm nhấn là các di sản và làng nghề, gồm Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức). Du khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.
Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu đang là điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức cũng giàu tiềm năng đón khách quốc tế.
Chủ động quảng bá hình ảnh, nét đặc sắc của địa phương
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, du lịch ngoại thành là trọng điểm trong kế hoạch phát triển du lịch Thủ đô. Để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cần xây dựng sản phẩm du lịch mới, tạo sự liên kết chặt chẽ để biến tiềm năng thành “đòn bẩy” thu hút du khách.
Một trong những điểm đến thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế thời gian qua là Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Nét mới trong hoạt động du lịch tại đây là việc phát triển các sản phẩm trải nghiệm nông nghiệp. Du khách có thể tham gia cùng người dân trồng lúa, chăn trâu, làm kẹo, làm tương...
Trưởng Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, cuối tháng 3/2024, Làng cổ Đường Lâm đón đoàn khách gần 50 người đến từ nhiều quốc gia như: Singapore, Malaysia, Australia, Nhật Bản... trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Sản phẩm này là điểm nhấn trong hoạt động trải nghiệm của du khách mùa Hè năm nay.
Bên cạnh đó, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm đã cho ra mắt sản phẩm trải nghiệm “Game hóa di sản” để du khách khám phá di sản tại Đường Lâm bằng các trò chơi thực tế như tìm mật thư, kho báu, giải mã câu đố... “Đây là sản phẩm phù hợp với những gia đình đông thành viên, các công ty, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đăng Thạo chia sẻ.
Ngoài ra, một điểm du lịch trải nghiệm cũng khá hấp dẫn du khách trong những tháng Hè, đó là Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây). Đến đây, du khách có thể trải nghiệm những không gian kiến trúc đặc trưng của các dân tộc như: Không gian Tây Nguyên, không gian dân tộc Chăm, không gian đồng bào dân tộc ở Tây Bắc... Du khách không chỉ có những bức ảnh check-in tuyệt đẹp, ghi lại những khoảnh khắc tại điểm đến mà còn có thể tham gia hoạt động trải nghiệm, lễ hội, ẩm thực cùng đồng bào dân tộc.
Bên cạnh những điểm đến quen thuộc, Hà Nội cũng đã hình thành nhiều điểm du lịch mới hấp dẫn ở ngoại thành như: Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), làng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh), khu sinh thái Đan Phượng... Thời gian qua, nhiều địa phương đã ra mắt dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo các chuyên gia, để "đánh thức" những tiềm năng, lợi thế hấp dẫn du khách, các địa phương cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các huyện cần chọn phân khúc khách hàng để xây dựng sản phẩm phù hợp và có quy hoạch sản phẩm du lịch đúng đối tượng, nhu cầu thị trường. Với nhiều sản phẩm du lịch được nâng cấp, làm mới, ngoại thành Hà Nội đang trở thành lựa chọn vui chơi, nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách.
Như vậy, để phát triển du lịch ngoại thành Hà Nội, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cũng cần linh hoạt tiếp cận và huy động sự tham gia của cả cộng đồng, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh để du khách biết đến những nét đặc sắc của vùng, từ đó tạo các điều kiện để phát triển du lịch.