Hà Nội tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đưa Thủ đô vững bước trong kỷ nguyên vươn mình
Sáng 21/1, tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đã trình bày Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Chủ đề Đại hội dự kiến là “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng; bản lĩnh hội nhập, đổi mới sáng tạo, đột phá phát triển; xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, đoàn kết phấn đấu vì Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, hạnh phúc, vững bước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Đại hội cũng sẽ kiểm điểm, đánh giá những kết quả, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII (2020-2025) trên các lĩnh vực hoạt động chính của Đảng bộ và rút ra một số kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua.
Theo Dự thảo lần 2 Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, sau gần 40 năm triển khai đường lối đổi mới của Đảng, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Kinh tế Nhà nước phát huy vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể được củng cố; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường đang từng bước được hoàn thiện.
Ngoài ra, sự nghiệp văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội đứng đầu cả nước. Công tác đối ngoại của TP đã có những bước chuyển mình tích cực.
Vị thế Thủ đô trên trường quốc tế được nâng cao. Đảng bộ TP Hà Nội có truyền thống đoàn kết, có tinh thần chủ động, sáng tạo; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và các cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, quyết liệt; niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Đảng bộ TP ngày càng được củng cố vững chắc, tích cực tham gia, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, đất nước...
Hà Nội đi đầu trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cũng cho biết, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XIII) “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa’”; sớm xây dựng, ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 58-KH/TU ngày 21/01/2022 về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW gắn với Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”. Nghiên cứu xây dựng, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, đề án, quy chế, quy định trong các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, đi sâu vào việc mới, việc khó, nhiệm vụ trọng tâm còn tồn tại, hạn chế. Bước đầu đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong những năm qua, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) và Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, dân chủ, lựa chọn trúng và đúng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
"Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội tiếp tục là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đặc biệt, Đảng bộ TP Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, với quyết tâm chính trị cao đã tập trung lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng cải cách, củng cố, kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới"- Dự thảo báo cáo chỉ rõ
Thành phố cũng xác định việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp TP đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài.
Việc luân chuyển, điều động cán bộ đã gắn với việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương, không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Từ năm 2022 đến nay, toàn TP đã thực hiện luân chuyển, điều động đối với 2.580 lượt cán bộ; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với tổng số 3.274 lượt cán bộ, công chức.
Phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong 5 năm tới
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, với những giải pháp trọng tâm của Thủ đô trong giai đoạn 5 năm 2025 – 2030, trong dự thảo Báo cáo chính trị, Đảng bộ TP Hà Nội thể hiện quyết tâm thực hiện các giải pháp tăng tốc, bứt phá phát triển. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao từ 10,5 - 11,0%; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thực hiện các giải pháp đột phá, tạo các động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 với tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư. Kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án chậm triển khai, công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn TP.
Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất; phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, gắn kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có đẳng cấp, hiện đại, tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - xác định là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị, phát triển kinh tế - xã hội. Số hóa toàn diện các hoạt động quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ở tất cả các ngành, các cấp trên địa bàn TP.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết phát triển với vành đai công nghiệp của các tỉnh trong vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, phát thải các bon thấp, nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gắn với các chuỗi liên kết. Nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục dạy nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát hiện, thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn… Kết nối cung cầu lao động, đảm bảo kết nối thị trường lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại.
Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp Thủ đô Hà Nội có các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững. Là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Thủ đô Hà Nội trong nhóm đứng đầu cả nước về phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp; giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp, chuyển sang các sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam.
Trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực: Công nghiệp chế tạo - cơ điện tử - tự động hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; công nghiệp vật liệu mới; công nghệ sinh học, hóa dược - dược phẩm; sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao.