Hà Nội tăng mức xử phạt gấp 2 lần với hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, đất đai

Sáng 28/4, Ủy ban mặt trật Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội và dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn.

Hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự thảo Nghị quyết về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường và đất đai.

Hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự thảo Nghị quyết về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường và đất đai.

Cả hai nghị quyết đều được xây dựng theo hướng tăng mức tiền phạt cao hơn so với quy định hiện hành, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm K khoản 10 Điều 1 của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Về cơ sở pháp lý, Điểm a, Khoản 1, Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định: “Hội đồng nhân dân Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.”.

Tại dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng với 219 hành vi. Nghị quyết có quy định với cùng một hành vi vi phạm thì mức tiền phạt đối với tổ chức sẽ áp dụng gấp 2 lần.

Quy định các hành vi vi phạm hành chính áp dụng nâng mức tiền phạt trong lĩnh vực môi trường áp dụng nâng mức tiền phạt được xác định trên cơ sở cân nhắc kỹ về tính chất, mức độ nghiêm trọng, hệ quả của các hành vi vi phạm gây ra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Với dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức phạt đề xuất cũng tăng không quá 2 lần so với quy định hiện hành. Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng dự thảo với quy định nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với 71 hành vi.

Các chuyên gia cho rằng việc ban hành hai nghị quyết là cần thiết và cấp thiết đối với thành phố Hà Nội. Hà Nội đang phát triển đô thị rất mạnh song giải pháp quản lý, triển khai các quy định trong quản lý đất đai, môi trường còn thiếu đồng bộ, ý thức của người dân còn chưa cao.

Do đó, cùng với việc tăng mức xử phạt, nhiều chuyên gia cho rằng công tác tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng. Thành phố cần quan tâm và đưa ra các giải pháp, cách làm mới có hiệu quả hơn cho công tác tuyên truyền.

Cơ quan soạn thảo cần xem xét đưa quy định 71 hành vi vi phạm sang phụ lục đính kèm Nghị quyết để dễ dàng tra cứu và áp dụng. Phụ lục cũng nên quy định cụ thể mức tiền phạt để nhân dân, cán bộ dễ hiểu, dễ áp dụng.

Ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đóng góp ý kiến phản biện với hai dự thảo Nghị quyết.

Ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đóng góp ý kiến phản biện với hai dự thảo Nghị quyết.

Việc áp dụng hai nghị quyết sẽ liên quan rất chặt chẽ, chịu tác động của quá trình thực hiện Đề án tổ chức chính quyền hai cấp và sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia đề nghị cần lưu ý đến vấn đề này để có quy định và lộ trình phù hợp cho quá trình thực thi hai nghị quyết sau khi được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đánh giá, các nghị quyết được ban hành được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền quản lý tốt hơn những vấn đề bức xúc. Đề nghị cơ quan soạn thảo có phản hồi chính thức về tiếp thu các ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Do các nghị quyết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc giám sát, phát hiện vi phạm, công khai các cá nhân và tổ chức vi phạm. Xây dựng cơ chế khuyến khích người dân phát hiện, giám sát vi phạm; đồng thời có cơ chế khen thưởng đối với người dân có đóng góp.

Đồng chí Nguyễn Sỹ Trường đề nghị Mặt trận tổ quốc các cấp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại địa phương, góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý của chính quyền trong lĩnh vực môi trường, đất đai.

MINH THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-tang-muc-xu-phat-gap-2-lan-voi-hanh-vi-vi-pham-trong-linh-vuc-moi-truong-dat-dai-post875824.html
Zalo