Hà Nội tăng gấp 2 lần mức xử phạt vi phạm môi trường

HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua và ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt tăng cao gấp 2 lần đối với cá nhân có hành vi vi phạm môi trường.

Rác thải tràn ngập vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị và cản trở người đi bộ ở Hà Nội. Ảnh: Quốc Lũy - TTXVN

Rác thải tràn ngập vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị và cản trở người đi bộ ở Hà Nội. Ảnh: Quốc Lũy - TTXVN

HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua và ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, mức xử phạt tăng cao gấp 2 lần đối với cá nhân có hành vi vi phạm môi trường nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường xung quanh. Điều hy vọng sẽ làm thay đổi thói quen xấu "sạch nhà bẩn ngõ" của người dân.

Tại Hà Nội, rất dễ dàng để bắt gặp các bãi rác tự phát ngay ở đầu ngõ với đủ thành phần từ túi ni lông, thực phẩm, hộp xốp, vỏ chai… Thậm chí nhiều nơi, rác thải chất đống ngày qua ngày không được dọn dẹp, bốc mùi hôi thối giữa những ngày hè nóng nực; khi mưa xuống, nước rỉ rác theo dòng nước mưa cứ thế len lỏi vào đường giao thông, cống rãnh... Đáng chú ý, những bãi rác này lại tồn tại ngang nhiên ở nơi có biển “cấm đổ rác”, “khu vực có camera an ninh”.

Qua khảo sát tại nhiều tuyến phố lớn của Thủ đô như Thanh Nhàn, Vũ Tông Phan, Trần Khát Chân, Yết Kiêu, Khâm Thiên, Cầu Giấy, Trần Cung, Hoàng Quốc Việt, Cổ Linh... dù có biển cấm và nội dung cảnh báo về mức phạt, những “núi rác” khổng lồ vẫn xuất hiện.

Bà Ngô Thị Kim Chung, người dân sinh sống gần bãi rác tự phát trên phố Trần Khát Chân bức xúc, ngày nào cũng phải chịu cảnh sống chung với rác. Mỗi khi thời tiết thay đổi, oi nóng, mưa xuống mùi rác bố lên kinh khủng, chưa kể ruồi muỗi, nhất là vào mùa hè dịch bệnh sốt xuất huyết xảy ra chúng tôi sống xunh quanh khu vực này lúc nào cũng lo ngại. Mặc dù ở đây có biển cấm đổ rác nhưng mọi người vẫn cứ thản nhiên mang rác ra đây đổ. Chính quyền cũng đã trích hình ảnh từ camera giám sát, in ảnh người vứt rác ra dán ở đó để cảnh cáo nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt.

Tại đường Cổ Linh thuộc phường Long Biên, quận Long Biên (Hà Nội), xe rác chồng chất dàn hàng, chiếm một phần diện tích lòng đường, điều này không chỉ gây cản trở lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi người điều khiển phương tiện bị khuất tầm nhìn hoặc va chạm với những đồ vật bị rơi. Tại một địa điểm khác thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên, rác trộn lẫn với đất cát khu vực gần dân cư sinh sống.

Để ngăn chặn tình trạng đổ rác sai nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các Chỉ thị của Chính phủ, của Thành ủy, thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Mới đây, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, hyện, thị xã tăng cường quản lý, giám sát xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, các thông tin về xử phạt như “hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng” trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đã được in rõ ràng trên các banner tại những khu vực thường xuyên xuất hiện rác thải tràn lan. Tuy nhiên, rác vẫn cứ ngang nhiên tồn tại, bất chấp biển cấm, bất chấp camera và bất chấp cả… luật.

Để tăng nặng hình thức xử phạt đủ sức răn đe, tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội mới đây đã thông qua và ban hành Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được áp dụng cao hơn so với mức phạt tương ứng quy định trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, mức phạt này không được vượt quá giới hạn quy định tại điểm k, khoản 1, Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm k, khoản 10, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020. Mức phạt nêu trong Khoản 1 của Điều này là mức áp dụng đối với cá nhân; nếu tổ chức vi phạm cùng hành vi, mức phạt sẽ gấp đôi so với cá nhân.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, việc tăng mức xử phạt vi phạm môi trường được xem là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết nhằm siết chặt kỷ cương, văn minh đô thị, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc này không chỉ để xử lý những hành vi sai phạm mà còn để bảo vệ lợi ích chung, giữ gìn tài nguyên và môi trường sống cho các thế hệ tương lai.

Đây cũng được xem là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết tâm cao của thành phố Hà Nội trong việc kiến tạo một đô thị hiện đại, văn minh, phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai…

Đồng quan điểm này chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội chủ động ban hành quy định xử phạt cao hơn Nghị định 45/2022/NĐ-CP là một bước đi tích cực. Tuy nhiên, theo ông, nếu không có cải cách về cơ chế thực thi thì sẽ rơi vào tình trạng “có luật nhưng không có người xử phạt”.

“Chúng ta có thể học hỏi từ Singapore - nơi người dân bị xử phạt ngay tại chỗ nếu xả rác bừa bãi. Điều này giúp họ thay đổi hành vi rất nhanh. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta cần cả một quy trình lớn để giải quyết một hành vi nhỏ. Để xử lý một hành vi xả rác, cán bộ phải lập biên bản, gửi lên cấp trên, chờ phê duyệt rồi mới ra quyết định xử phạt. Với quy trình như vậy thì rõ ràng là không khả thi, nhất là với các hành vi nhỏ lẻ nhưng diễn ra hàng ngày”, ông Hoàng Dương Tùng nhận định.

“Chính quyền cần phân quyền cụ thể cho từng cấp, từ quận, phường, tổ dân phố đến lực lượng chuyên trách như cảnh sát môi trường, thanh tra xây dựng… để có thể xử phạt tại chỗ, nhanh chóng và minh bạch. Đồng thời cần có hướng dẫn rõ ràng về quy trình sử dụng bằng chứng từ camera, phản ánh của người dân, để làm cơ sở xử lý”- ông Hoàng Dương Tùng thông tin.

Nam Giang/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ha-noi-tang-gap-2-lan-muc-xu-phat-vi-pham-moi-truong/374071.html
Zalo