Hà Nội tăng cường kiểm soát thức ăn đường phố dịp nghỉ lễ 2-9

Dịp nghỉ lễ 2-9 năm nay kéo dài 4 ngày nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân dự báo sẽ tăng, kéo theo nỗi lo mất an toàn thực phẩm.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Ảnh: Phương Thu

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Ảnh: Phương Thu

- Xin ông cho biết, công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp nghỉ lễ 2-9 được thành phố triển khai như thế nào?

- Kỳ nghỉ lễ 2-9 năm nay kéo dài 4 ngày nên cũng là dịp thu hút không chỉ người dân Thủ đô mà cả du khách từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đến các điểm vui chơi, giải trí, điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội. Chính vì vậy, vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đã và đang được các cơ quan chức năng thành phố đặt lên hàng đầu.

Riêng với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, chúng tôi đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trước và trong dịp nghỉ lễ đặc biệt này.

Trước kỳ nghỉ, chúng tôi đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai kiểm tra dịch vụ ăn uống, trong đó tập trung vào kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố như cửa hàng bánh mỳ hoặc các hàng quán phục vụ đồ ăn nhanh…

- Qua kiểm tra, ông đánh giá như thế nào về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm nay so với các năm trước và ý thức của người kinh doanh, người chế biến ra sao?

- Chúng tôi nhận thấy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được các quận, huyện, thị xã tích cực triển khai. Cụ thể, các địa phương đã ra quân, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Qua thực tế kiểm tra tại các địa phương, chúng tôi cũng đưa ra đánh giá, ý thức của những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đã được nâng lên. Tuy nhiên, có những nơi vẫn chưa chấp hành tốt các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chúng tôi đã yêu cầu những cơ sở này khắc phục và có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Cá biệt, có nơi, chúng tôi đã yêu cầu phải đóng cửa do không đủ điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

- Những vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm được phát hiện thời gian qua là gì, thưa ông?

- Không chỉ vi phạm về cơ sở vật chất khu vực sản xuất, chế biến không bảo đảm điều kiện vệ sinh, chưa thực hiện vệ sinh thường xuyên, không có biện pháp phòng, chống côn trùng xâm nhập, lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định, mà người tham gia sản xuất còn chưa được tập huấn kiến thức, được khám sức khỏe định kỳ; không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm…

Trong quá trình kiểm tra, cùng với xử lý vi phạm, chúng tôi cũng tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ đúng việc kiểm thực 3 bước, đồng thời sử dụng phụ gia, bảo quản thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm… đúng quy định.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm nhanh bát đĩa. Ảnh: Thu Trang

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm nhanh bát đĩa. Ảnh: Thu Trang

- Dịp nghỉ lễ 2-9, du khách từ các tỉnh về Hà Nội rất nhiều, ông có khuyến cáo gì khi họ lựa chọn thưởng thức ẩm thực đường phố của Thủ đô?

- Dịp nghỉ lễ 2-9 cũng là thời điểm những cơ sở kinh doanh mang tính chất thời vụ mọc lên như nấm. Do người bán hàng “di động”, cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản thực phẩm hạn chế, nguồn nước sinh hoạt và nguồn cung cấp thực phẩm cũng chưa thành hệ thống, nên còn nhiều vi phạm.

Thêm vào đó, các hộ kinh doanh thời vụ thường ít tuân thủ việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm chín, không dùng kẹp gắp khi chia thức ăn, thậm chí còn để thức ăn sống - chín lẫn lộn… Đây là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Trước thực tế đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn. Chúng tôi cũng khuyến cáo đối với du khách đến du lịch, tham quan Thủ đô: Đầu tiên là phải lựa chọn thực phẩm bằng cảm quan, thực phẩm phải bảo đảm tươi, ngon, chế biến sạch sẽ… Khi ăn nên chọn lựa các món ăn nấu chín thay vì tươi sống. Nên yêu cầu nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn đun nấu lại món ăn nếu có cảm giác không chắc chắn, thấy thịt, cá còn tái, trứng chưa đủ chín.

Ngoài ra, nên chọn đồ đóng chai, đóng hộp hoặc đun sôi như nước trà, cà phê. Mặt khác, nên chọn cửa hàng cố định, công khai Giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm và địa chỉ nơi cung cấp nguyên liệu. Tránh tình trạng mua thực phẩm tại các gánh hàng rong, vỉa hè; thực phẩm chế biến sẵn được bày bán tại nơi không bảo đảm vệ sinh, không được che chắn bụi hay ruồi, muỗi cẩn thận…

Ngoài ra, du khách không nên dùng những thực phẩm lạ, hải sản lạ trong quá trình đi du lịch để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Trong những ngày nghỉ dịp lễ 2-9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kết hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức các kíp trực, thường trực tại các địa bàn và tổ chức những đoàn kiểm tra đột xuất. Do đó, khi phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần thông tin đến cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ vào cuộc kiểm tra và xử lý.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-tang-cuong-kiem-soat-thuc-an-duong-pho-dip-nghi-le-2-9-676435.html
Zalo