Hà Nội: Tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức Lễ hội

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025.

Việc tổ chức Lễ hội cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trang nghiêm, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại.

Việc tổ chức Lễ hội cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trang nghiêm, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại.

Kế hoạch nhằm đảm bảo công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô. Tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân có công với dân, với nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất và con người địa phương, đặc biệt tiếp tục là cơ hội để quảng bá, giới thiệu sâu sắc hơn về di tích lịch sử văn hóa, các nhân vật được thờ phụng tại di tích đến với nhân dân và du khách. Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch năm 2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Công tác tuyên truyền: Tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Triển khai các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan, chiếu sáng, mỹ thuật về thành tựu của Thủ đô, đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan trong tổ chức lễ hội truyền thống. Công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội trên các hệ thống thông tin: Cấp Thành phố: Số điện thoại đường dây nóng: 0965404557; Cấp quận, huyện, thị xã: UBND các quận, huyện, thị xã công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý về công tác tổ chức lễ hội truyền thống; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố.

Công tác kiểm tra: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; vi phạm về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ trong hoạt động tổ chức lễ hội.

Xây dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" theo Quyết định số 2068/QĐBVHTTDL ngày 03/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội năm 2025; hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động lễ hội theo thẩm quyền; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động gây chia rẽ, mất đoàn kết, bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, các hành vi mê tín, dị đoan.

Lễ hội là ngày hội văn hóa truyền thống, là cầu nối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý và tổ chức lễ hội giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố vùng Thủ đô, vùng châu thổ sông Hồng, làm sâu sắc hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến. UBND Thành phố yêu cầu đảm bảo việc tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư; tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của địa phương, của dân tộc.

Việc tổ chức Lễ hội cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trang nghiêm, trọng thể, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ trong quá trình tổ chức Lễ hội, xây dựng môi trường cảnh quan của di tích "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn".

Lê Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-tang-cuong-cac-bien-phap-quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-392519.html
Zalo