Hà Nội sử dụng bản sao chứng thực điện tử trong dịch vụ công trực tuyến từ 2/1/2025

Từ ngày 2/1/2025, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bản sao chứng thực điện tử để thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số thủ tục hành chính (TTHC) đã được cung cấp trên môi trường điện tử.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong đó, việc sử dụng bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Việc sử dụng bản sao điện tử có nhiều tiện ích, không chỉ đối với tổ chức, cá nhân mà còn với cả cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan hành chính làm nhiệm vụ chứng thực. Triển khai thực hiện giải pháp này sẽ góp phần tiết kiệm nhiều hơn nữa về thời gian, công sức, chi phí giao dịch, qua đó đem lại sự tiện lợi, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội, thực tế hiện nay, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (hỗ trợ đăng ký, nộp hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến), công dân, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc nộp bản sao chứng thực/xuất trình giấy tờ gốc để xác minh lại hồ sơ. Trong khi đó, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố Hà Nội, trong thời gian vừa qua, Trung tâm Phục vụ Hành chính công Thành phố đã phối hợp với đơn vị tư vấn FPT xây dựng chức năng cho phép thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố.

Giờ đây, khi sử dụng bản sao chứng thực điện tử, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay.

Bên cạnh đó, bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác, có ưu điểm là có thể sử dụng lại nhiều lần. Với một bản sao chứng thực điện tử, công dân, doanh nghiệp sử dụng được cho nhiều bộ hồ sơ trực tuyến khác nhau (thay vì mỗi bộ hồ sơ phải có một văn bản chứng thực riêng), do vậy tiết kiệm được rất nhiều về công sức, thời gian, chi phí.

Đối với cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao điện tử đã chứng thực cũng có nhiều thuận lợi hơn do bản sao được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể dễ dàng kiểm tra, giải quyết cho thủ tục tiếp theo. Thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cũng không phức tạp. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhập lời chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người thực hiện chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

Để đảm bảo việc cung ứng dịch vụ tốt nhất, thuận tiện nhất cho người dân, tổ chức trong việc giao dịch các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Trung tâm Phục vụ Hành chính công Thành phố đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố chỉ đạo.

Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố kể từ ngày 2/1/2025; Phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, người dân thực hiện và khai thác, sử dụng lại bản sao đã được chứng thực điện tử.

Đề nghị Sở Tư pháp Thành phố chủ trì với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, tập huấn hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho UBND cấp huyện theo lĩnh vực quản lý; kịp thời tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Ngày 8/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP quy định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2020) quy định: Bản sao điện tử là bản chụp dưới dạng điện tử từ bản chính dạng văn bản giấy hoặc tập tin có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, bản chính dạng văn bản giấy. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính.

Hạnh Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-su-dung-ban-sao-chung-thuc-dien-tu-trong-dich-vu-cong-truc-tuyen-tu-212025-d238002.html
Zalo