Hà Nội sẽ nghiên cứu chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính
Chiều 17/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 4 (huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai), trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tham gia tiếp xúc cử tri có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo sở, ban, ngành, quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ đầu cầu chính tại trụ sở HĐND-UBND quận Hoàng Mai.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Đơn vị bầu cử số 4 đến tham dự tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai.
Mở đầu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đã báo cáo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và TP Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương trong kỳ tiếp xúc trước.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dư luận quan tâm
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về các vấn đề đang được dư luận quan tâm như: triển khai sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chuyển đổi số; công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng…
Cử tri Trần Anh Hồng - Chủ tịch Hội phụ nữ phường Mai Động (quận Hoàng Mai) nêu, thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Ban Chấp hành T.Ư về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đề án có nêu “Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định”. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm và sớm có hướng dẫn cụ thể giải quyết chế độ cho đội ngũ này.
Còn cử tri Nguyễn Thị Huề - Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) nêu, hiện nay, tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và tài sản của Nhân dân. Từ đó, đề nghị Quốc hội chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng truy tìm nguồn tiết lộ thông tin cá nhân của công dân và xử lý nghiêm việc mua bán dữ liệu cá nhân của công dân. Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại để bảo vệ tài sản cho người dân. Đồng thời tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân của công dân trên các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số do các cơ quan Nhà nước quản lý đảm bảo an toàn thông tin tuyệt đối.

Các đại biểu tham dự cuộc tiếp xúc cử tri
Quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, cử tri Trần Thị Hương – Bí thư Chi bộ Trưởng ban công tác mặt trận TDP 19, 20, 21 phường Định Công (quận Hoàng Mai) nêu, hiện nay, việc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực khiến dữ liệu cá nhân được chuyển lên môi trường điện tử thường xuyên, liên tục hơn. Kéo theo đó là tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân cũng diễn ra ngày càng phổ biến. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân dù pháp luật đã có quy định không cho phép dưới mọi hình thức nhưng thực tế vẫn diễn ra phổ biến, công khai, nhiều hành vi chưa thể xử lý được vì thiếu quy định của pháp luật.
Cử tri đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng nặng các hình phạt để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, giúp bảo vệ người dân. Đồng thời tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Cử tri Hồ Thị Mậu - xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đề nghị Đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để cán bộ không chuyên trách (đối với những trường hợp cấp trưởng xuống làm cấp phó người hoạt động không chuyên trách do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã) được hưởng nguyên lương, phụ cấp như trước khi sáp nhập đơn vị hành chính để tránh thiệt thòi. Đồng thời, kịp thời động viên và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tới đây.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai báo cáo tại cuộc tiếp xúc cử tri
Liên quan đến dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, cử tri Trần Thu Hằng - phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) nêu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể khi xây dựng dự án luật này là nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế, người phụ thuộc, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến một số khoản đặc thù cho phù hợp với bối cảnh mới. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN sẽ góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.
Từ đó, cử tri đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật, trong đó cần điều chỉnh quy định về mức thuế TNCN phù hợp, nâng cao mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh tình trạng rất nhiều người dân thu nhập thấp ở trong cảnh phải “thắt lưng buộc bụng”, nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN.
Tiếp đó, cử tri Nguyễn Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội CCB phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) nêu, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện và đạt một số kết quả tích cực.

Cử tri quận Hoàng Mai nêu ý kiến tại hội nghị.

Cử tri huyện Gia Lâm nêu ý kiến
Theo cử tri, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự. Cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu chế tài xử lý thật nặng các hình phạt đối với loại tội phạm này nhằm răn đe các đối tượng phạm pháp để ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Nhân dân...
Trả lời vấn đề cử tri quan tâm, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng đang có diễn biến phức tạp. Phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này rất tinh vi, đa dạng. Các đối tượng thường sử dụng các địa bàn ngoài nước để thực hiện các hành vi lừa đảo tại Việt Nam.

Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng trả lời vấn đề cử tri nêu.
Trước tình hình đó, bên cạnh quyết liệt đấu tranh, phá hàng loạt các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản sự dụng công nghệ cao trên không gian mạng, Công an TP Hà Nội đã có nhiều khuyến cáo về phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm nêu trên để người dân phòng tránh các đối tượng lừa đảo. Đặc biệt, để phòng tránh loại tội phạm nêu trên, Giám đốc Công an TP Hà Nội lưu ý tới cử tri 11 phương thức hoạt động chủ yếu của tội phạm công nghệ cao và khuyến cáo đến người dân bằng thông điệp: "Không quen biết, không gặp mặt, không chuyển tiền".
Không để gián đoạn công việc khi sắp xếp đơn vị hành chính
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cảm ơn và tiếp thu toàn bộ ý kiến cử tri để báo cáo với Quốc hội. Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định nhiều vấn đề lớn mang tính cách mạng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ tích cực nghiên cứu, thảo luận, trên cơ sở những ý kiến cử tri nêu sẽ tham gia tốt nhất, đóng góp vào thành công của kỳ họp.
Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thông tin nhanh về tình hình Thủ đô và đất nước thời gian qua, nhất là những chủ trương mang tính cách mạng được Ban Chấp hành T.Ư quyết định tại Hội nghị lần thứ 11. Theo đó, cả nước đang triển khai với quyết tâm thực hiện thắng lợi việc tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tuy nhiên, phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân và DN. Phấn đấu quyết tâm tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên để tạo đà tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Với trách nhiệm Thủ đô, TP Hà Nội đã và đang chủ động, tích cực, khẩn trương triển khai tất cả các nhiệm vụ trên. Đối với việc tổ chức chính quyền 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP đang tập trung hoàn thành đề án.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri
Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội có 526 xã, phường, thị trấn và là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã lớn thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Thanh Hóa). Quan điểm của TP là Đề án bảo đảm bám sát chỉ đạo của Trung ương, nghĩa là sẽ giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 60-70%; đồng thời có tính tới những đặc thù, riêng có của Hà Nội.
Đề cập những vấn đề liên quan đế công tác cán bộ trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tới đây có thể 3 - 4 xã, phường, thị trấn sẽ thành 1 đơn vị; cán bộ quận, huyện, thị xã sẽ về cấp xã tham gia hệ thống chính trị. Thành phố sẽ thực hiện trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, rất khẩn trương nhưng phải ổn định và trật tự; không để gián đoạn, ảnh hưởng đến công việc.
Riêng về cán bộ không chuyên trách phải kết thúc hoạt động, Bí thư Thành ủy cho biết, cả TP có khoảng 8.000 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn nên cùng với việc chờ hướng dẫn cụ thể của T.Ư, TP cũng sẽ nghiên cứu để có chế độ chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các cán bộ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri.
Bí thư Thành ủy cho biết, tại cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 vào sáng nay (17/4), Tổng Bí thư Tô Lâm đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025 của Thủ đô với mức tăng trưởng GRDP 7,35% và số thu ngân sách ước tính hơn 250.000 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Con số cập nhật mới nhất đến ngày 15/4, số thu Ngân sách Nhà nước của TP đã đạt 270.503 tỷ đồng và bằng 53% dự toán pháp lệnh năm 2025. Tổng Bí thư cũng ghi nhận việc triển khai khắc phục ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch đang được triển khai tích cực và có những kết quả ban đầu và phấn đấu hoàn thành trước ngày Quốc khánh 2/9/2025.
Đề cập đến một số nội dung cử tri kiến nghị, trong đó có tình trạng tội phạm công nghệ cao, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đánh giá cao Công an TP Hà Nội đã triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Theo đó, với 11 phương thức hoạt động cơ bản như Giám đốc Công an TP cung cấp thì đây là loại tội phạm rất nguy hiểm, phức tạp. Nên cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết để chủ động bảo vệ bản thân.