Hà Nội sẽ công khai các sai phạm của làng nghề bánh kẹo La Phù

Riêng đối với làng nghề La Phù, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát mang tính tổng thể, phải công bố công khai các vi phạm.

Ngay sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động hai cơ sở sản xuất bim bim và bánh kẹo tại điểm công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), chiều 7.1, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP đã có buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Các loại bim bim tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh đều được đổ xuống sàn đất bẩn

Các loại bim bim tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh đều được đổ xuống sàn đất bẩn

Phó chủ tịch Vũ Thu Hà nhấn mạnh, quan điểm của TP là tăng cường kiểm tra và tập trung kiểm tra trước ở những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như huyện Hoài Đức. Với những cơ sở qua kiểm tra phát hiện sai phạm như hôm nay thì cơ quan chức năng của huyện phải xử phạt nghiêm, đồng thời yêu cầu họ khắc phục tất cả những nội dung mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Sau đó, báo cáo về Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP.

"Cơ quan chức năng của huyện phải giám sát, theo đến cùng việc khắc phục sai phạm của cơ sở. Chúng tôi sẽ tái kiểm tra, xem có thực hiện đúng yêu cầu tạm dừng hay không. Chúng ta phải có biện pháp, chính quyền địa phương phải vào cuộc và phải làm đến cùng, để làm sao cơ sở nhận thức được sai phạm đó mà thực hiện cho đúng", bà Hà nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý an toàn thực phẩm, Phó chủ tịch TP.Hà Nội yêu cầu, với các lỗi vi phạm và các biện pháp xử lý cần phải nghiêm túc, công khai, không được bao che để các cơ sở phải nhận thức ra sai phạm, từ đó, họ sẽ đầu tư lại và lấy lại uy tín.

Riêng đối với làng nghề La Phù, Phó chủ tịch Vũ Thu Hà đề nghị, cơ quan chức năng của huyện phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát mang tính tổng thể, phải công bố công khai các vi phạm. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn và phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, các mức xử lý vi phạm... cho các cơ sở. Sau khi tập huấn, tuyên truyền, chính quyền địa phương cần tiến hành kiểm tra lại xem họ thực hiện đến đâu. Nếu cố tình sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm.

Đối với các đoàn kiểm tra liên ngành của TP, bà Hà cho rằng, từ nay đến Tết Nguyên đán 2025 là "thời gian vàng" để tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo và các mặt hàng phục vụ tết. Ngoài ra, công tác kiểm tra cần được tiếp tục tăng cường sau dịp tết và mùa lễ hội, trong đó tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp này.

Trước đó, trong sáng 7.1, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất và yêu cầu tạm dừng hoạt động cơ sở sản xuất bim bim của Công ty Cổ phần Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh (tại địa chỉ số 2 đường Thanh Niên, điểm công nghiệp La Phù, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) và cơ sở sản xuất kẹo, bánh quy của Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm An Đông (tại địa chỉ: Cụm công nghiệp La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) vì phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện có 2.061 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm. Trong dịp tết năm nay, các đoàn kiểm tra của huyện đã kiểm tra, giám sát được 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện và xử lý 34 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 593 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 322 triệu đồng. Ngoài ra, chuyển 1 vụ sang công an điều tra.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; sử dụng người trực tiếp sản xuất thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, làng nghề La Phù như không ngủ, người xe ra vào tấp nập. Ai nấy đều thoăn thoắt, đóng gói, bốc vác hàng lên xe, tỏa đi đủ hướng để phục vụ bà con dịp tết. Các mặt hàng chủ yếu là bánh kẹo, mứt tết, nước giải khát, trong đó có nhiều loại giả các thương hiệu nổi tiếng.

Đáng chú ý, ở "thủ phủ" bánh kẹo La Phù, những thùng bánh kẹo thường có tên na ná các thương hiệu lớn, tuy nhiên lại được viết lệch đi, hoặc thêm bớt một hai từ gây nhiễu, hiểu lầm cho người mua. Chẳng hạn, thương hiệu bánh trứng nổi tiếng Custas được "phù phép" thành Custasd, Custar; Cosy thì biến thành Goszy,... và nhiều thương hiệu bánh kẹo khác.

Những loại bim bim, quẩy, kẹo cân ở đây giá cũng rẻ bất ngờ, chỉ 6.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại. Người bán tại đây lý giải, giá rẻ do "người La Phù tự làm được, không tốn công vận chuyển, không tốn tiền bao bì đóng gói".

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ha-noi-se-cong-khai-cac-sai-pham-cua-lang-nghe-banh-keo-la-phu-228016.html
Zalo