Hà Nội: sắp xếp cán bộ cấp xã hướng tới mục tiêu chính quyền gần dân
Hướng tới xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ Nhân dân và mở ra động lực, không gian phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới, phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của Hà Nội sẽ thực hiện bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã không theo kiểu dàn đều.
Bố trí cán bộ phù hợp khối lượng công việc
Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tại Hà Nội tới đây, theo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã của TP đã được phê duyệt, trong số 126 ĐVHC cơ sở mới sẽ có 47 ĐVHC phường và 79 ĐVHC xã. Về cơ cấu chính quyền cấp xã của Hà Nội sau khi bỏ cấp huyện, dự kiến UBND cấp xã sẽ có 4 phòng chuyên môn gồm Văn phòng HĐND - UBND, Phòng Kinh tế hạ tầng đô thị, Phòng Văn hóa - Xã hội, Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Chia sẻ về định hướng của TP trong thực hiện công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, do đặc thù có khối lượng công việc nhiều, tính chất công việc khó, nên mô hình tổ chức cấp phòng của Hà Nội có thể có những điểm khác so với những ĐVHC ít áp lực công việc. Tuy nhiên, đây chỉ là mô hình dự kiến, còn cơ cấu cụ thể phải chờ Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thi hành.
Đáng chú ý, ông Trần Đình Cảnh nhấn mạnh, trong phương án sắp xếp cán bộ, công chức xã, phường của Hà Nội sẽ không bố trí theo kiểu dàn đều. Với những ĐVHC lớn, khối lượng công việc nhiều, chắc chắn sẽ được bố trí số lượng cán bộ, công chức nhiều hơn so với đơn vị ít nhiệm vụ.
Trong quá trình sắp xếp cũng như tinh giản bộ máy, chắc chắn sẽ tác động tới tư tưởng, tâm lý một số cán bộ, công chức, Sở Nội vụ đang tiếp nhận, giải quyết các trường hợp xin nghỉ theo quy định.
Thời gian tới, TP Hà Nội cũng tiếp tục ban hành các hướng dẫn về tiêu chí rà soát, đánh giá, phân loại để tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức. Quá trình này sẽ thực hiện trong vòng 5 năm, nên không thể ngày một ngày hai là biết được có bao nhiêu cán bộ, công chức cần tinh giản.

Hướng tới xây dựng chính quyền gần dân, phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội sẽ bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã không theo kiểu dàn đều (ảnh: Công chức UBND phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân)
Bám sát định hướng của TP, các quận, huyện cũng đang xây dựng những phương án phù hợp trong thực hiện bố trí cán bộ, công chức cho các ĐVHC cơ sở mới.
Tiêu biểu như tại quận Hai Bà Trưng là một địa bàn đông dân, sẽ thành lập 3 ĐVHC phường mới, Trưởng Phòng Nội vụ quận Lê Bích Hằng khẳng định, về phương án sắp xếp cán bộ công chức do sắp xếp ĐVHC, quận sẽ thực hiện theo đúng các chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC của T.Ư cũng như của TP, UBND quận.
Theo đó, trước mắt quận thực hiện giữ nguyên số lượng biên chế công chức, viên chức của quận và cán bộ, công chức của các phường hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các ĐVHC phường mới sau sắp xếp. Lộ trình này được thực hiện bảo đảm trong thời gian 5 năm sẽ hoàn thành đưa về số lượng cán bộ công chức đúng quy định.
“Phòng Nội vụ quận đang xây dựng phương án sắp xếp đội ngũ công chức của UBND các phường cũng như của các phòng, ban, đơn vị thuộc UBND quận theo vị trí việc làm, đồng thời căn cứ vào năng lực của cán bộ và căn cứ địa bàn của các ĐVHC cơ sở được hình thành sau sắp xếp. Phương châm là bảo đảm các ĐVHC thành lập sau sắp xếp sẽ triển khai tốt những nội dung công việc được giao”- bà Lê Bích Hằng thông tin.
Khắc phục bất cập trong quản lý do địa giới hành chính
Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ, hiện nay do yếu tố lịch sử, nhiều phường, tổ dân phố, khu dân cư trong nội thành Hà Nội có diện tích chồng lấn. Chẳng hạn một khu đô thị do 3 - 4 phường cùng quản lý; một phường, một tổ dân phố lại nằm xen kẽ giữa nhiều tuyến đường, chia cắt bởi các dòng sông. Chính điều đó khiến việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người dân trở nên không thuận lợi.
Từ những bất cập này, trong quá trình tham mưu, Sở Nội vụ đã đề xuất phương án lấy địa giới hành chính theo tuyến đường, dòng sông để xây dựng ĐVHC phường, nhằm mục tiêu khi có địa giới hành chính mới sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động học tập, công tác, giao dịch hành chính, công tác cũng như thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước.
Đối với khu vực ngoại thành, Sở đề xuất giữ nguyên địa giới hành chính hiện có, bời địa giới hành chính cũng phải phù hợp với văn hóa làng, xã, dòng họ và đồng ruộng canh tác của Nhân dân.

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, với khu vực ngoại thành, Sở Nội vụ Hà Nội đề xuất giữ nguyên địa giới hành chính hiện có (ảnh: công dân tra cứu danh mục thủ tục hành chính tại trụ sở bộ phận ''Một cửa'' thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín)
Bên cạnh đó, đối với một vấn đề được dư luận đang rất quan tâm là định hướng của TP sắp xếp trụ sở các quận, huyện và xã, phường ra sao để không dẫn đến tình trạng lãng phí, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, TP chủ trương có thể bố trí trụ sở quận, huyện thành nơi làm việc của cấp xã, phường mới, với điều kiện phải phù hợp mô hình tổ chức bộ máy và số biên chế. Nếu trụ sở đó lớn quá thì sẽ sắp xếp thành nơi làm việc của một đơn vị có quy mô tương đương.
TP cũng định hướng đối với mỗi xã, phường, trụ sở làm việc sẽ được đặt tại trung tâm, nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch hành chính. Trong trường hợp trụ sở hiện có quá nhỏ thì khối chính quyền có trụ sở riêng, tổ chức Đảng và đoàn thể có trụ sở riêng.
Đồng thời, TP đã thành lập tổ công tác để tính toán việc sử dụng các trụ sở dôi dư để làm trường học, điểm sinh hoạt cộng đồng. Các sở, ngành của TP cũng đang xây dựng đề án liên quan việc sắp xếp trụ sở cơ quan nhà nước.
Điển hình, Sở Tài chính đã xây dựng đề án sắp xếp trụ sở; Sở Xây dựng đã xây dựng phương án quy hoạch lại ĐVHC; Sở Y tế xây dựng đề án tổ chức các trạm y tế cho hợp lý… Tiêu chí chung là bảo đảm các trụ sở được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí sau khi sắp xếp lại ĐVHC.
Sau khi hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC, TP sẽ quy hoạch lại ĐVHC cấp xã, phường cho phù hợp đặc thù của từng địa phương.
Cuối tháng 4/2025, các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân về phương án sắp xếp và tên gọi ĐVHC cơ sở mới, với tỷ lệ thống nhất rất cao. Trong đó, đơn vị thấp nhất đạt 92% ý kiến đại diện cử tri đồng thuận, có 38 xã đạt tỷ lệ 100%, cho thấy Nhân dân rất đồng tình với phương án và cách sắp xếp ĐVHC của TP.
Để có được kết quả này, Sở Nội vụ Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện đưa ra phương án tên gọi ĐVHC mới gắn với truyền thống, lịch sử, địa danh của từng xã, phường, nên được Nhân dân ủng hộ cao. Đồng thời, những phản ánh, kiến nghị của người dân được Sở tiếp nhận, đề xuất lãnh đạo UBND TP điều chỉnh cho phù hợp. Đơn cử, tên gọi một xã ở huyện Ba Vì ban đầu dự kiến là Quảng Oai, sau khi nhận được ý kiến người dân và chính quyền địa phương, TP đã thống nhất với huyện lấy tên là xã Bất Bạt - tên gọi trước đây của huyện Ba Vì.