Hà Nội sẵn sàng phương án sơ tán dân do mực nước các sông lên nhanh
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, nhiều con sông chảy qua Thủ đô ghi nhận mực nước dâng cao, lũ đã lên mức báo động 3.
Cụ thể, mực nước sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt hồi 17 giờ ngày 9/9 đạt 7m (mực nước báo động III là 7m). Đến 22 giờ cùng ngày, mực nước trên sông Cầu, Sóc Sơn cũng đã lên trên mức báo động 3 là 8,02m.
Tính đến sáng ngày 10/9, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi (huyện Chương Mỹ) tại vị trí có cao trình thấp khoảng từ 10-40 cm, các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao như xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ. Các khu dân cư ở bãi dọc sông Bùi bị ngập khi nước đang dâng cao.
Tại huyện Quốc Oai, tổng số xã bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng đã lên 5 xã: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Liệp Tuyết.
Riêng xã Cấn Hữu, do nước dâng xóm Ngoài Đê và xóm Minh Khai thôn Đĩnh Tú có 29 hộ và xóm Bến Vôi thôn Cấn Hạ có 24 hộ (230 nhân khẩu), nước đã ngập đến cổng và sân. Có 6 hộ của xóm Minh Khai nước ngập vào tầng hầm đã di chuyển lên tầng 2.
Huyện Thạch Thất cũng ghi nhận trên địa bàn xã Cần Kiệm, sông Tích dâng làm ngập 27 hộ với 90 nhân khẩu khu vực ngoài đê, trong đó: 9 hộ bị ngập đến nền nhà (Phú Lễ 5 hộ, Phú Đa 2 có 4 hộ), 18 hộ ngập đến sân (Phú Lễ 8 hộ, Phú Đa 2 có 10 hộ). Xã Lại Thượng có 17 hộ, với 67 nhân khẩu; trong đó xóm Đò, xóm Bến bị ngập đường giao thông ngõ xóm. Các hộ dân đã chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa có hộ dân nào phải di dời.
Ở khu vực nội đô, UBND quận Ba Đình đã di dời 30 hộ (40 người) tại khu nhà trọ vùng trũng gần cầu Long Biên về Nhà văn hóa phường Phúc Xá. Hiện nay, quận đang tiếp tục vận động các hộ còn lại sơ tán đến nơi an toàn.
Trước diễn biến phức tạp về tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội lệnh Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sóc Sơn sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Đồng thời sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm như: khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên...
Chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.
Các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết thì tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.
Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an TP Hà Nội, chỉ đạo các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng của Thành phố để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác di dời, cứu hộ, cứu nạn người dân tại các khu vực nguy hiểm; tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản, hướng dẫn, điều tiết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phân luồng tổ chức giao thông, bố trí lực lượng hướng dẫn và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, cầu qua sông; kịp thời xử lý sự cố, kiên quyết ngăn chặn hoạt động của những phương tiện giao thông thủy không đảm bảo an toàn; Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền và hoạt động tại các bến cảng, khu neo đậu để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cần rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Sẵn sàng phương án cắt điện khẩn cấp khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân, sau đó khôi phục trong thời gian nhanh nhất; Chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng trực để khắc phục sự cố điện do mưa lũ gây ra, trong đó ưu tiên không để ảnh hưởng đến các trạm bơm tiêu thoát.
Tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Công điện này và công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo những vấn đề đột xuất, phát sinh, vượt thẩm quyền.