Hà Nội: Rà soát các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển công tác phụ nữ ở Thủ đô
Ngày 30-8, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, ngày 8-1-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) 'Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước'; Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) 'Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới'.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 10 năm qua, công tác phụ nữ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cùng sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Thủ đô. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai hiệu quả. Hằng năm, các cấp Hội phối hợp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 15.000 lao động. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,5%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 21,1%.
Từ năm 2018 đến nay, đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ từ cấp thành phố đến cơ sở có 150 cán bộ được điều động, luân chuyển sang công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tỷ lệ nữ cán bộ được kết nạp vào Đảng chiếm 44,4% trong tổng số đảng viên được kết nạp (23.922/53.835), trong đó, có 9.455 cán bộ, hội viên ưu tú do Hội Liên hiệp phụ nữ giới thiệu, góp phần tạo nguồn cán bộ nữ tại địa phương, đơn vị.
Kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện cho công tác phụ nữ. Trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, nhất là cấp thành phố và quận, huyện đều tăng so với trước. Cán bộ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đúng với năng lực, sở trường.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập, như chưa có nhiều chính sách đặc thù cho phụ nữ Thủ đô; một số nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù chưa có chính sách quan tâm tương xứng với điều kiện của thành phố; việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ nữ chưa đồng điều giữa các cấp và giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương…
Do đó, thời gian tới, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho phụ nữ được phát huy năng lực. Cùng với quan tâm phát triển quy hoạch của thành phố, còn phải quan tâm đến quy hoạch phát triển đồng đều cả vật chất và tinh thần, gia tăng chỉ số hạnh phúc cho đối tượng thụ hưởng trước tiên là trẻ em và phụ nữ; rà soát lại các cơ chế chính sách đối với riêng phụ nữ TP Hà Nội, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Ngoài ra, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố có các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa đối với các đối tượng đặc thù như công nhân nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội, Công an trong triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em gái.
Tin, ảnh: LINH CHI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.