Hà Nội: Quận Ba Đình tăng cường, bồi dưỡng tập huấn ứng dụng AI trong giảng dạy
Khảo sát thực hiện trên 2.100 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại các phòng ban, điểm trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội cho thấy 78,3% giáo viên và cán bộ sử dụng công nghệ hàng ngày trong công việc, nhưng chỉ 62,3% từng ứng dụng AI vào giảng dạy.
Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) vừa phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tomotech tổ chức khảo sát về nhu cầu đào tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Gen AI) trong giảng dạy.
Khảo sát thực hiện trên tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại các phòng ban, điểm trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn quận Ba Đình. Tính đến ngày 11.2, tổng số phiếu trả lời được gửi về là 2.118.

Quận Ba Đình sẽ triển khai tập huấn ứng dụng AI trong giáo dục cho gần 3.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành
37,7% cán bộ, giáo viên chưa từng tiếp cận AI
Cuộc khảo sát nhằm đánh giá thực trạng năng lực sử dụng công cụ AI trong giáo dục của cán bộ, giáo viên và nhân viên thuộc các cấp học trên địa bàn quận Ba Đình, là căn cứ để Phòng GD-ĐT quận xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ AI trong công tác giảng dạy, quản lý và hỗ trợ giáo dục.
Kết quả khảo sát cho thấy, 78,3% cán bộ, giáo viên sử dụng công nghệ hàng ngày, 9,5% sử dụng công nghệ 2-3 lần/tuần, 9,2% sử dụng 1 lần/tuần. Tỷ lệ rất nhỏ (dưới 3%) sử dụng công nghệ hiếm khi.
Tuy nhiên trong số này, chỉ 62,3% giáo viên và cán bộ đã từng sử dụng công cụ AI trong công việc. 37,7% chưa từng tiếp cận AI do thiếu phương tiện, kỹ năng hoặc chưa biết đến các ứng dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng.
ChatGPT (82,8%) và Canva (75,5%) là hai công cụ được sử dụng phổ biến nhất, chủ yếu hỗ trợ soạn bài giảng, tạo học liệu và thiết kế trực quan. Gemini (26,5%), Microsoft Copilot (17,3%), Midjourney (2,4%), Claude (2,2%) được sử dụng ở mức thấp hơn, cho thấy giáo viên chủ yếu tiếp cận AI theo hướng hỗ trợ ngôn ngữ và thiết kế. Các công cụ AI khác như Suno, Deepseek, Leonardo, Vbee… không được sử dụng nhiều, chỉ chiếm dưới 1%.
Trong số các mục đích sử dụng công cụ AI, tìm kiếm thông tin (66,4%), soạn bài giảng (63%) và tạo học liệu (46,5%) là ba nhu cầu phổ biến nhất. AI cũng được sử dụng để hỗ trợ hoạt động lớp học (41,2%), thiết kế đề kiểm tra (23,9%) và soạn nội dung họp phụ huynh (21,7%). Một số mục đích khác bao gồm dịch thuật (16,5%), viết báo cáo, nhận xét học sinh (14,9%), quản lý lớp chủ nhiệm (10,3%), tư vấn học sinh (8,8%) và chấm bài, đánh giá (7,4%). Các nhu cầu khác chiếm tỷ lệ dưới 2,5%.
Về lý do chưa sử dụng AI trong quá trình làm việc, có 34,5% câu trả lời rằng bản thân mình không có nhu cầu sử dụng, 27,3% cho biết không có phương tiện sử dụng, 17,6% không thấy ứng dụng phục vụ được cho công việc bản thân. Ngoài ra, 1,9% chưa biết cách sử dụng, 0,6% chưa thành thạo, 0,4% chưa cập nhật, những lí do khác đều dưới 0,1%.
Dù phần lớn giáo viên đã quen thuộc với công nghệ, nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc khai thác tối đa tiềm năng của AI. Các vấn đề phổ biến bao gồm hạn chế về trình độ công nghệ thông tin, thiếu thời gian học tập, thiết bị chưa đồng bộ và chi phí tiếp cận các công cụ hiện đại.
Mặt khác, đa số giáo viên mong muốn được nâng cao kỹ năng bảo mật và quản lý dữ liệu, tích hợp AI vào giảng dạy, thiết kế học liệu bằng AI và sử dụng các công cụ AI cơ bản. Đặc biệt, có hơn 1.000 giáo viên đánh giá cao tầm quan trọng của đạo đức và an toàn khi sử dụng AI.
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và tập huấn AI trong giảng dạy
TS Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình đánh giá, việc ứng dụng AI trong giảng dạy không chỉ giúp giáo viên nâng cao hiệu quả công tác mà còn tạo ra môi trường học tập hiện đại, sáng tạo cho học sinh.

TS Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội
"Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của công nghệ, chất lượng giáo dục của quận Ba Đình sẽ có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới", TS Lê Đức Thuận bày tỏ.
TS Lê Đức Thuận cho biết dựa trên kết quả khảo sát, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Tomotech xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết, dự kiến triển khai từ tháng 2.2025 đến hết tháng 4.2025 với quy mô gần 3.000 học viên, bao gồm 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn quận.
Chương trình được phân chia theo nhóm đối tượng và tập trung vào những nội dung như: Ứng dụng AI trong quản lý nhà trường, phân tích dữ liệu giáo dục, xây dựng báo cáo tự động và bảo mật thông tin nội bộ; Ứng dụng AI trong thiết kế trò chơi, tạo tài liệu giảng dạy và quản lý dữ liệu trẻ em; Tích hợp AI vào bài giảng, thiết kế học liệu trực quan; Thiết kế bài kiểm tra trực tuyến và bảo mật thông tin; Sử dụng các công cụ AI: ChatGPT, Gemini, Perplexity, Notebook LM, Canva, Heygen, Gamma, Claude, Microsoft Copilot.
Khảo sát cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết về đào tạo AI trong giáo dục, đặc biệt trong việc nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý. Trên cơ sở này, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình sẽ triển khai các chương trình tập huấn bài bản, giúp giáo viên và nhân viên tiếp cận công nghệ một cách hiệu quả, an toàn và tối ưu nhất.