Hà Nội: Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn hơn 300ha
Ngày 6/1, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Quyết định số 45/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, tỷ lệ 1/2000.
Vị trí nghiên cứu thuộc địa giới hành chính các xã Minh Trí và Tân Dân thuộc huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội. Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 323,9ha.
Phạm vi, ranh giới nghiên cứu: Phía Tây và Tây Bắc gần giáp ranh giới tỉnh Vĩnh Phúc (giáp tuyến đường mương nối từ suối Đồng Lạnh đến sông Cà Lồ và hành lang bảo vệ tuyến điện cao thế 220kV); Phía Đông Bắc song song và cách tuyến đường liên xã Tân Dân - Minh Trí - Xuân Hòa khoảng 250m; Phía Đông và Đông Nam giáp tuyến điện cao thế 22kV và khu quân đội quản lý (một phần phía Đông giáp khu dân cư và nhà máy Daihatsu hiện có); Phía Nam giáp tuyến đường Hà Nội - Lào Cai, nghĩa địa thôn Ninh Kiều và chùa Thanh Am.
Mục tiêu lập quy hoạch
Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và định hướng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch chung xây dựng huyện Sóc Sơn được UBND Thành phố phê duyệt; Đề án thành lập 02 - 05 Khu công nghiệp mới giai đoạn 2021 - 2025 của UBND Thành phố Hà Nội.
Cụ thể hóa chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở kế thừa và điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực khu công nghiệp sạch (tỷ lệ 1/2000) đã được phê duyệt năm 2013 cho phù hợp với quy định hiện hành về khu công nghiệp.
Hình thành khu công nghiệp sạch, tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương và khu vực lân cận, giảm thiểu áp lực về việc làm và kinh tế trong khu vực; Góp phần đưa huyện Sóc Sơn hướng đến trở thành một trung tâm công nghiệp có khả năng hội nhập với khu vực và quốc tế, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tăng cường cạnh tranh và đóng góp và sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và khu vực nói riêng.
Xác định quy mô, loại hình sản xuất và mức độ ô nhiễm, quy hoạch hướng đến giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và an toàn lao động. Làm tiền đề để quản lý và kiểm soát môi trường trong khu vực khu công nghiệp. Làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp góp phần đảm bảo nguồn cung cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp trên địa bàn Thành phố; lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng dự án đầu tư tại các lô đất xây dựng; để chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Tính chất, chức năng của khu vực nghiên cứu quy hoạch
Khu công nghiệp xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư; hướng tới phát triển các ngành công nghiệp sạch (ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may...), sử dụng quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cơ bản: Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 18.000 người với các chức năng chính: Trong ranh giới thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sạch Sóc Sơn bao gồm các loại đất: Đất hành chính, trung tâm điều hành, thương mại, dịch vụ; Đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho tàng; Đất an ninh; Đất cây xanh; Đất hạ tầng kỹ thuật; Đất giao thông; Đất bãi đỗ xe. Ngoài ranh giới dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, bao gồm các loại đất: Đất dân cư hiện trạng; Đất công nghiệp (nhà máy gạch Viglacera Xuân Hòa); Đất đường giao thông khu vực.
Thời gian lập quy hoạch phân khu không quá 09 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt.
Yêu cầu đối với đồ án quy hoạch phân khu xây dựng
Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng phải tuân thủ các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phát triển công nghiệp đã được phê duyệt; những quy định về bảo vệ hành lang an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật, khoảng cách an toàn về môi trường, các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan và phù hợp với thực trạng phát triển công nghiệp tại khu vực nghiên cứu. Phân tích, đánh giá nhu cầu, mô hình phát triển dịch vụ cho khu vực. Khai thác hiệu quả điều kiện địa hình tự nhiên để quy hoạch không gian phù hợp khu vực. Trong quá trình lập đồ án quy hoạch, phối hợp lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để rà soát, đảm bảo tính khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài ranh giới khu công nghiệp. Hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Bố trí diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà lưu trú và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
UBND Thành phố giao đơn vị tổ chức lập và trình phê duyệt đồ án quy hoạch (Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về tổ chức lập, trình phê duyệt quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch phân khu theo đúng quy định.