Hà Nội phê duyệt dự án Bệnh viện Thận cơ sở 2

Trước thực tế quá tải các bệnh viện công, Hà Nội vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Thận Hà Nội tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, quy mô giường bệnh đạt 250 giường.

Tại Việt Nam đang có khoảng 800.000 người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần phải chạy thận nhân tạo. PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam cho biết: "Tất cả các trung tâm chạy thận nhân tạo đều quá tải bởi số lượng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu hàng tuần vượt xa so với số lượng thiết bị máy móc mà các cơ sở đang có. Việc quá tải tại các đơn vị chạy thận là điều đã diễn ra trong nhiều năm qua, tất cả máy chạy thận thường xuyên phải hoạt động tối đa công suất 24/24 giờ, có lúc quá tải phải chạy lên tới 200%. Khi máy hỏng, người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải xếp hàng dài chờ đợi."

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác có những xóm chạy thận nổi tiếng. Nơi mà hàng trăm bệnh nhân chạy thận sống tạm bợ trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn khi chờ đợi chữa trị. Ông Nguyễn Đức Ca, một bác sĩ đã nghỉ hưu sinh sống tại thị xã Sơn Tây cho rằng, việc triển khai xây dựng bệnh viện sớm hơn 1 tuần, 1 ngày là sẽ góp phần giảm thiểu nỗi đau của những bệnh nhân đang đợi chờ trong chật chội, quá tải và mệt mỏi 1 tuần, 1 ngày.

Hiện nay ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tình trạng quá tải vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân và cả cơ quan chức năng. Lượng bệnh nhân đông đổ dồn về các bệnh viện tuyến cuối, không chỉ khiến cho bệnh viện ngột ngạt, chật kín, mà còn gây ra tình trạng “quá tải” cho đội ngũ y, bác sĩ.

Thực tế, mỗi khi ốm đau, bệnh tật, người dân ít tìm đến trạm y tế xã mà thường vượt tuyến lên trên. Người dân ai cũng muốn được đi khám chữa gần, tiện lợi, tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế địa phương lại không có bác sĩ, hoặc cơ sở vật chất thiếu thốn khiến người bệnh không tin tưởng.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5265/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Thận Hà Nội tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Diễn đàn đô thị.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5265/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Thận Hà Nội tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Diễn đàn đô thị.

Anh Nguyễn Huy Đông, huyện Ứng Hòa đang giúp bố bị bệnh viêm ruột thừa xếp hàng ở khu đón tiếp bệnh nhân của Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Xếp hàng lấy sổ khám bệnh, đóng tiền đã khổ, chờ đến lượt khám bệnh, xét nghiệm hay siêu âm còn khủng khiếp hơn, nhưng gia đình chúng tôi nhất định phải để ông điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai". Khi được hỏi tại sao phải ra tận Bạch Mai mà không điều trị tại địa phương, anh khẳng định là "không yên tâm!".

Trên thực tế, giải quyết tình trạng khám, chữa bệnh quá tải tại các bệnh viện không thể một sớm, một chiều. Thời gian qua, Bộ Y tế đã khắc phục đầu tư dàn trải, tập trung ngân sách để xây dựng nhiều cơ sở y tế mới, như: Cơ sở 2 cho các bệnh viện: Bệnh viện K Hà Nội tại Thanh Trì, cơ sở 3 ở Tân Triều, Bệnh viện Nội tiết tại Thanh Trì, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại Phủ Lý, Hà Nam. Các cơ sở này tạo sự khác biệt so với cơ sở cũ, điều kiện khám, chữa bệnh tốt hơn.

Hiện, Bộ Y tế cũng đang tập trung xây dựng mạng lưới bệnh viện vệ tinh gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, và một số tỉnh, thành phố về các chuyên khoa đang quá tải trầm trọng như Khoa Ngoại - chấn thương, Khoa Tim mạch, Khoa Ung bướu, Khoa Sản và Nhi để giảm tải.

Tại Hà Nội, thành phố vừa đưa vào hoạt động Bệnh viện Nhi đầu tiên của thành phố với quy mô trên 800 giường bệnh. Sau 10 năm, từ 2014 đến nay, số bệnh viện trên toàn quốc đã tăng hơn 16% từ 1.415 bệnh viện lên 1.643 bệnh viện.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương và tại các thành phố lớn vẫn còn ở mức cao, nhất là ở các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi, thận.

Tại Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc có các văn bản hướng dẫn, tổng hợp đề xuất đối với các dự án xã hội hóa bệnh viện và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án bệnh viện. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các văn bản về phát triển nguồn nhân lực ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Cơ sở 2 Bệnh viện Thận Hà Nội sẽ có khối nhà chính từ 2 đến 8 tầng nổi, 1 tầng hầm với diện tích xây dựng khoảng 6.355m2. Ảnh: Diễn đàn đô thị.

Cơ sở 2 Bệnh viện Thận Hà Nội sẽ có khối nhà chính từ 2 đến 8 tầng nổi, 1 tầng hầm với diện tích xây dựng khoảng 6.355m2. Ảnh: Diễn đàn đô thị.

Xây dựng bệnh viện mới, ứng dụng công nghệ để giảm tải ở các bệnh viện đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, nếu không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, người bệnh ồ ạt lên tuyến trên thì việc giải quyết quá tải vẫn chỉ ở phần ngọn. Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên. Do đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở là giải pháp tối ưu và lâu dài trong vấn đề giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương.

Nhưng thực tế hiện nay chất lượng y tế cơ sở chưa cao, để nâng lên không phải một sớm một chiều mà làm được. Học lý thuyết thì có thể vài tháng nhưng thực hành giỏi, mổ giỏi là cả một vấn đề lớn. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế bắt buộc các bác sĩ mới tốt nghiệp có thời gian thực hành tại y tế cơ sở. Đã có quy định tốt nghiệp phải có 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, phải có quy định trong 18 tháng có bao nhiêu tháng xuống y tế cơ sở; đồng thời, nên có chính sách bắt buộc các bác sĩ có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở trong khoảng thời gian nhất định.

Nhiều nước đã có chính sách này. Nếu chúng ta mạnh dạn học hỏi, áp dụng, thì y tế cơ sở sẽ không khuyết vắng bác sĩ tận tâm, giỏi nghề... Song song với đó, các chính sách đối với y tế cơ sở cần rõ ràng, minh bạch, đầy đủ, đảm bảo các điều kiện thực hiện theo hướng phát triển y tế cơ sở. Bên cạnh đó cần đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc, chế độ chính sách để lực lượng cán bộ, nhân viên y tế yên tâm ở lại làm việc tại y tế cơ sở.

Bài toán về quá tải các bệnh viện hoàn toàn có thể giải quyết khi chúng ta nâng tầm được y tế cơ sở.

Trần Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-phe-duyet-du-an-benh-vien-than-co-so-2-272536.htm
Zalo