Hà Nội: Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị đến năm 2035

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6809/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa thành phố Hà Nội đạt 65% - 70%. Ảnh: Trung Nguyên

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa thành phố Hà Nội đạt 65% - 70%. Ảnh: Trung Nguyên

Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 bao gồm tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn, theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính, được định hướng là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; là nơi tập trung, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể; là Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, hạnh phúc; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng phát triển. Có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm kinh tế - giao dịch - du lịch và thương mại của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Chương trình xác định mục tiêu đến năm 2030, phát triển Hà Nội thành đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tậm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng hiện đại đạt 30%.

Đến năm 2045, Hà Nội trở thành Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế.

Thành phố xanh và sinh thái, với sông Hồng là biểu tượng phát triển. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng đạt 50%.

Chương trình cũng xác định diện tích đất xây dựng đô thị, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực nội thành; diện tích cây xanh toàn đô thị bình quân đầu người; diện tích cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành; tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị khu vực nội thành; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khu vực nội thành…

Dự kiến sơ bộ tổng số vốn đầu tư phát triển tối thiểu dự báo đến năm 2035 là 2.987.303 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn dành cho hạ tầng khung là 1.273.791 tỷ đồng. Vốn dành cho nâng cấp đô thị là 1.713.512 tỷ đồng.

Nguồn lực thực hiện từ ngân sách nhà nước và huy động từ khu vực tư nhân. Trong đó, vốn ngân sách sẽ được phân bổ cho các dự án trọng điểm và phát triển cơ sở hạ tầng.

Nguồn lực huy động từ khu vực tư nhân sẽ đến từ việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư công, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, thành phố sẽ khai thác các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế (ODA) và các quỹ đầu tư; huy động từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; khuyến khích mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư cho các dự án lớn, dự án hạ tầng, đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố khai thác hiệu quả tài sản đất đai, thực hiện các dự án phát triển đô thị để gia tăng nguồn thu ngân sách từ đất; khuyến khích đầu tư và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và các giải pháp công nghệ mới nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững; tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ và các quỹ từ thiện tham gia vào việc phát triển các dự án xã hội và môi trường.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-phe-duyet-chuong-trinh-phat-trien-do-thi-den-nam-2035-689305.html
Zalo