Hà Nội phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Một trong những hướng đi quan trọng để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội là phải phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thành phố Hà Nội cần khai thác và kết nối tốt các nguồn lực để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Khởi nghiệp sáng tạo diễn ra mạnh mẽ
Thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước, năm 2019, thành phố đã ban hành “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” (Đề án 4889). Đề án tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm...
Những năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Đặng Thị Hương cho biết, đến nay, thành phố có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước (chiếm 26,32%), 32 tổ chức ươm tạo trên tổng số 84 tổ chức của cả nước (chiếm 38,1%), 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên tổng số 35 tổ chức của cả nước (chiếm 40%). Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huy động được 999,52 triệu USD với 99 thương vụ gọi vốn thành công. Hà Nội là địa điểm lý tưởng để đặt trụ sở của các công ty khởi nghiệp giáo dục, công nghệ, thương mại điện tử và tài chính.
Cùng với đó, tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo được nâng cao rõ rệt trong đội ngũ trí thức, sinh viên, thanh niên. Các cuộc thi, hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo tại các viện/trường diễn ra sôi nổi. Hầu hết các trường đại học đều đã thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đưa nội dung về khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình giảng dạy. Tiêu biểu như: BK-Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội), Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FIIS (Trường Đại học Ngoại thương), Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội)...
Mặc dù, Hà Nội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhưng theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân, thông tin về hệ sinh thái còn thiếu và phân tán dẫn tới việc các nhà đầu tư khó tìm được doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ chính sách. Tỷ lệ hỗ trợ còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn với các doanh nghiệp. Hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế, hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế... “Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội chưa hình thành dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát. Trong khi đó, công tác hỗ trợ và các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo còn diễn ra đơn lẻ, tính liên thông, liên kết chưa cao”, ông Lê Văn Quân thông tin thêm.
Đẩy mạnh kết nối nguồn lực
Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất, Hà Nội có tiềm lực lớn với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, trường đại học, thanh niên trẻ. Vấn đề hiện nay của Hà Nội là cần sử dụng nguồn lực hiệu quả. Nhiều bạn trẻ từ thung lũng silicon trở về nhưng chưa chọn Hà Nội để “dừng chân”. Những người học tập và trưởng thành tại Hà Nội đi các thị trường lớn rất nhiều nhưng chưa có sự kết nối về Hà Nội. Do vậy, Hà Nội cần có nhiều sáng kiến để xây dựng các mối liên kết, kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Đặng Thị Hương cũng cho rằng, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố cần phải triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong xã hội và xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong giới trẻ, thu hút sự quan tâm, tham gia và đầu tư của xã hội cho khởi nghiệp sáng tạo; triển khai các gói hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ huấn luyện, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân cho biết, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.
Đến nay, qua 2 lần lấy ý kiến, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Đề án trình UBND thành phố và đổi tên Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội thành Khu dịch vụ Hỗ trợ khởi nghiệp - khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội. Dự kiến khi đi vào vận hành, khu dịch vụ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, tiếp sức cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo để các nhà sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ non trẻ có thể hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh và phát triển nhanh chóng thành các doanh nghiệp có giá trị cao.