Hà Nội phát triển đô thị thông minh, hiện đại
Quy hoạch Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ phát triển theo hướng 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'; đến năm 2045 sẽ là Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Thành phố Hà Nội đang cụ thể hóa hai đồ án Quy hoạch Thủ đô. Trong đó, phát triển đô thị thông minh đã dần hiện hữu trên cơ sở những nền tảng sẵn có. Cuối năm 2024, Hà Nội được vinh danh là "Thành phố hạ tầng thông minh" và "Thành phố dịch vụ công thông minh".
Thành phố đang xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cụ thể phải triển khai thông qua đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho hay: “Đô thị thông minh trước hết là căn hộ thông minh, rồi ngôi nhà thông minh, khu phố thông minh, giao thông thông minh, chiếu sáng thông minh. Và tất cả những hoạt động phải có sự quan hệ của tất cả các yếu tố về kỹ thuật, đặc biệt là về tin học để tạo nên sự kết nối, gọi là kết nối của chuyển đổi số”.
Để trở thành đô thị thông minh, Hà Nội phải giải quyết những vấn đề đặt ra của mô hình đô thị nén. Trong đó, cần phát triển hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ. Đồng thời, mở rộng không gian ngầm như trung tâm thương mại dịch vụ hay hệ thống mạng lưới giao thông dưới lòng đất hoặc hệ thống giao thông nhiều tầng bậc để giảm tải áp lực trên bề mặt.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Vấn đề quan trọng là bố trí quy hoạch của thành phố phải đi vào nề nếp, để từ đó chúng ta có mức độ phân tán các cơ sở hạ tầng cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước ở những khu vực nhất định, nhằm tránh tập trung quá mức ở một khu vực nào đó. Đặc biệt, quá trình phát triển hệ thống nhà cao tầng, các khu chung cư cũng cần thực hiện đúng bài bản, nghiêm ngặt, theo đúng quy hoạch. Thì lúc đó chúng ta mới giảm được mật độ lưu thông ở các khu vực mới này”.
Giảm mật độ độ xây dựng trong nội đô, Hà Nội sẽ mở rộng không gian phát triển ra vùng ven và tập trung phát triển các đô thị vệ tinh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai tại các vùng ven. Vin Group, Sun Group, BRG, Eurowindow… đang triển khai nhiều dự án tại các huyện ngoại thành. Nhiều khu đô thị mới ở vùng ven đang dần hình thành, tạo ra không gian phát triển mới xanh - văn minh - hiện đại.
Phát triển các khu đô thị xanh, công trình xanh đang là mục tiêu Hà Nội hướng tới nhằm xây dựng đô thị thông minh và bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Các công trình xanh khi vận hành góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, cho biết: “Muốn xanh hóa các đô thị thì phát triển công trình xanh là một giải pháp. Nếu như phát triển công trình xanh với tốc độ như hiện nay thì tôi hy vọng đến năm 2030 đối với lĩnh vực công trình xây dựng, chúng ta cũng góp phần vào mục tiêu giảm 74 triệu tấn CO2 của ngành xây dựng”.
Tích cực trồng mới cây xanh; cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên cũng là nhiệm vụ được thành phố tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, Hà Nội đang dành nguồn lực đầu tư, hoàn thiện số hóa đô thị gắn với công tác quy hoạch để định hướng phát triển Thủ đô theo hướng thông minh - hiện đại.