Hà Nội phát sinh 16 điểm ùn tắc giao thông mới

Trong năm 2024 Hà Nội xử lý được 13 điểm ùn tắc giao thông nhưng nguy cơ phát sinh 16 điểm ùn tắc mới.

Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2024 trên địa bàn thành phố tồn tại 33 điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, trong đó có 13 điểm đã được xử lý.

Trong 13 điểm ùn tắc đã được xử lý có những tuyến đường, nút giao thông lớn như: nút giao Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - Trần Vỹ; nút giao Thanh Xuân hướng Nguyễn Trãi đi Nguyễn Xiển; đường Nguyễn Xiển đoạn từ Nguyễn Trãi đến đường Phạm Tu; nút giao Lê Đức Thọ - Hàm Nghi - Nguyễn Hoàng; nút giao cầu vượt Mai Dịch; nút giao Âu Cơ - Xuân Diệu; cầu Đền Lừ...

Với 20 điểm ùn tắc còn lại, qua buổi họp rà soát, liên ngành GTVT - Công an đã đưa ra các phương án để tiếp tục xử lý để giảm tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài trong năm 2025.

Tuy nhiên, cũng theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay có đến 16 điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc mới phát sinh, trong đó có 5 điểm gồm: Nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung; đảo xuyến trên đường Cương Kiên; đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú - Thanh Bình - Phùng Hưng (cầu Trắng); ngã tư Phùng Hưng - Cầu Bươu - đường 19/5 (cầu Đen).

11 trục, tuyến đường đối diện nguy cơ ùn tắc là Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận Hà Đông, Thanh Xuân); Láng (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy); vành đai 3 trên cao, dưới thấp (đặc biệt là tại các lối lên, xuống); Tam Trinh; Lĩnh Nam; Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng; Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu; Hoàng Hoa Thám.

Ngoài ra, còn có đường Giải Phóng (lưu lượng phương tiện rất lớn tại một số nút giao Giải Phóng - Kim Đồng, Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, Ngã Tư Vọng; Giải Phóng - Hoàng Liệt); đường đê Nguyễn Khoái (đoạn từ Trần Khát Chân đến cầu Vĩnh Tuy); đường 70 (đoạn Phúc La đến cầu Tó); trục Tố Hữu - Lê Văn Lương; trục Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận (quốc lộ 5 cũ).

Tình trạng ùn tắc tại Hà Nội vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ phương tiện lớn, nguy cơ ùn tắc nhất là vào giờ cao điểm.

Tình trạng ùn tắc tại Hà Nội vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tuyến đường, nút giao thông có mật độ phương tiện lớn, nguy cơ ùn tắc nhất là vào giờ cao điểm.

Một số nguyên nhân dẫn đến ùn tắc được Sở GTVT chỉ ra là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, mật độ dân cư lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao...

Đặc biệt tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cao, khoảng 4-5% mỗi năm, cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm), làm cho mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường, nút giao rất lớn, vượt quá lưu lượng thiết kế.

Đề cập đến thực trạng các "điểm đen" tai nạn giao thông và điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2024 trên địa bàn thành phố còn tồn tại 5 vị trí. Trong đó có 3 vị trí liên quan đến hạ tầng giao thông và thời gian qua Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện cải tạo, cắm lại hệ thống biển báo tạo thuận lợi cho người dân đi lại; 2 điểm thuộc trách nhiệm quản lý của các quận huyện, liên ngành đã có kiến nghị để các địa phương thực hiện các giải pháp xử lý.

Thống kê của Hà Nội, đến cuối năm 2024 địa bàn có khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện (chưa bao gồm phương tiện của các cơ quan trung ương). Trong đó thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện các loại (gồm 1,1 triệu ô tô; 6,9 triệu xe máy) và khoảng 1,2 triệu phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên thành phố.

Tai nạn giao thông làm 1 người tử vong xảy ra tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội sáng 25/12.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-phat-sinh-16-diem-un-tac-giao-thong-moi-169241231122821824.htm
Zalo